Môi trường

Nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học

Minh Hạnh 21/05/2024 - 09:31

Để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) và Năm phục hồi đa dạng sinh học, Bộ TN&MT có kế hoạch triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm, hướng tới nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hiện mục tiêu về đa dạng sinh học.

Năm 2024, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”. Đây là lời kêu gọi các quốc gia, các bên liên quan, trong phạm vi và tầm ảnh hưởng của mình đóng góp vào thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF).

Chủ đề này cho thấy tính cấp thiết cần phải triển khai ngay các hành động bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học ở cấp quốc gia, tỉnh, khu vực để thực hiện các mục tiêu của GBF.

Đồng thời, chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm nay cũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ: Chỉ khi các quốc gia, các cộng đồng, người dân có nỗ lực đồng bộ, hành động quyết liệt để tạo ra sự thay đổi có tính toàn diện thì mới có thể ngăn chặn và đảo ngược được xu hướng mất đa dạng sinh học, phục hồi đa dạng sinh học, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai.

poster-ngay-quoc-te-da-dang-sinh-hoc.jpg
Poster Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.

Theo đó, nhằm nâng cao nhận thức về các mục tiêu đa dạng sinh học, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc tổ chức hưởng ứng Ngày 22/5 nói riêng, cũng như các nội dung cần thiết triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói chung trong năm.

Đặc biệt, để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 và Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia do tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức, Bộ TN&MT cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Chương trình hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học tại Quảng Nam.

Chương trình sẽ bao gồm Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 và Hội thảo “Thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) và Chiến lược Đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam (NBSAP)”, dự kiến được diễn ra tại Thành phố Hội An, di sản văn hoá UNESCO và cũng là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm vào ngày 22/5/2024.

Bên cạnh Chương trình này, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam để triển khai các hoạt động trong Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia như các hội thảo chuyên đề về các khu dự trữ sinh quyển; du lịch sinh thái và thúc đẩy hợp tác đa phương về đa dạng sinh học.

Đồng thời, Cục BTTN&ĐDSH (Bộ TN&MT) sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên, các tổ chức trong nước và quốc tế để tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học trên cả nước và tiếp tục hợp tác để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, góp phần đóng góp thực hiện mục tiêu toàn cầu đã được đề ra tại GBF.

bao-ton-da-dang-sinh-hoc-.jpeg
Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Việt Nam, với vai trò là một nước thành viên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và là một thành viên ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Khung GBF tại COP15, đã và đang thể hiện cam kết, cũng như trách nhiệm với các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong đó, trước khi GBF chính thức được thông qua vào tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong giai đoạn đến năm 2030, Chiến lược đặt ra yêu cầu diện tích các khu bảo tồn trên cạn sẽ tiếp tục được tăng lên theo chỉ tiêu đề ra xấp xỉ 2% (từ khoảng 7% tới 9%), các khu bảo tồn biển được bảo tồn sẽ tăng mạnh, đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia.

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu phục hồi được 20% các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Chiến lược xác định các đề án, nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện để đạt được mục tiêu này để có đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu về bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái.

Hiện nay, các mục tiêu về bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái cũng đang được các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh triển khai. Cụ thể, năm 2023, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) đã lập ra Quỹ hỗ trợ thực hiện GBF để hỗ trợ các quốc gia thực hiện các mục tiêu của GBF, trong đó có ưu tiên hỗ trợ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hợp tác với các quốc gia trong việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và tăng cường mở rộng bảo tồn các khu vực có giá trị đa dạng sinh học.

Trải qua thời gian dài gần 2 năm đàm phán, ngày 19/12/2022, GBF đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15 CBD). Mục tiêu của GBF là hướng đến chung sống “Hài hoà với thiên nhiên” thông qua thực hiện các hành động khẩn cấp để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, phục hồi đa dạng sinh học, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích cho mọi người trên Trái đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO