Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Xem xét, ban hành thành luật riêng về hộ kinh doanh
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp toàn thể sáng 21/5. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Lý giải vấn đề này, báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp;
Mặt khác, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần.
Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh.
Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu giải trình Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Chưa kể, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Do vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.
Phải khơi dậy và tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển
Đồng tình với đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Tiến, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc hoàn thiện khung pháp lý với hộ kinh doanh là cần thiết bởi vì hộ kinh doanh là loại hình cùng tồn tại với nhiều loại hình kinh doanh khác. Đối với hộ kinh doanh cũng cần có sự quản lý của nhà nước, có hiệu lực pháp lý, được tiếp cận các chính sách của nhà nước trong thành phần kinh doanh, đảm bảo quyền bình đẳng, phù hợp với nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là vấn đề lớn bởi đối tượng điều chỉnh hộ kinh doanh có số lượng lớn hơn gấp 5-6 lần số lượng doanh nghiệp. Mặt khác, về bản chất hoạt động, cách thức, quy mô hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp.
“Hộ kinh doanh có quy mô hoạt động trong phạm vi ngành nghề nhỏ bé, việc Luật hoá hộ kinh doanh chưa rõ, quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghên cứu, xem xét có nên đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh nên được xem xét đưa vào Luật riêng (Luật Hộ kinh doanh), Luật doanh nghiệp chỉ đề cập điều chỉnh đối với doanh nghiệp chứ không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh”, đại biểu Nguyễn Văn Tiến kiến nghị.
Toàn cảnh phiên toàn thể sáng 21/5. Ảnh: quochoi.vn |
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Tiến, ĐBQH Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) thống nhất việc nâng quản lý hộ kinh doanh từ Nghị định lên thành Luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn. Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, đa số hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có Luật phù hợp để điều chỉnh các hộ kinh doanh thành Luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn.
Thảo luận vấn đề có nên quy định về Hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp hay không, ĐBQH Mai Hồng Hải (Đoàn TP Hải Phòng) cho rằng, thực chất hộ kinh doanh chỉ được điều chỉnh trong Chương 7a của Luật Doanh nghiệp. Nội dung quy định cụ thể của hộ kinh doanh trong dự thảo Luật cũng còn sơ khai tương tự như quy định trong đăng ký hộ kinh doanh theo Nghị định 75/2015.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm không rõ ràng như: dự thảo Luật về hộ kinh doanh nhưng không đưa ra khái niệm thế nào là hộ kinh doanh; hộ kinh doanh có thể do các thành viên trong gia đình cùng đăng ký nhưng thành viên gia đình quy định trong Khoản 6, Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì rất rộng. Còn quy định về hộ gia đình cũng không rõ ràng. Vấn đề quản lý hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh như thế nào cũng không được quy định.
Đánh giá dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chưa cho thấy chính sách mới, khơi dậy và tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động và phát triển, Đại biểu Mai Hồng Hải kiến nghị, Luật về hộ kinh doanh phải giải quyết đồng thời hai mục đích là quản lý nhà nước về kinh doanh và tạo lập, cải thiện môi trường kinh doanh.