Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng vốn cần thiết cho việc giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu là rất lớn, có thể lên tới 140-175 tỷ USD mỗi năm trong vòng 20 năm tới. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2050, đầu tư toàn cầu cho biến đổi khí hậu có thể lên tới 30 - 100 tỷ USD. Thế nhưng, những nỗ lực nhằm huy động vốn cho việc giảm nhẹ và thích ứng là chưa đủ, hiện mới chỉ đáp ứng 5% nhu cầu tính toán trong tương lai.
Tại Việt Nam, kết quả của một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy tác động đáng kể của biến đổi khí hậu lên kinh tế vĩ mô của Việt Nam, ước tính thiệt hại khoảng 2-4% GDP hàng năm vào năm 2050 và có thể lên đến trên 6,5%. Để ứng phó hiệu quả, mỗi năm cần đầu tư cần ít nhất khoảng 0,5% GDP cho công tác này.
Hiện nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu được khai thác chủ yếu từ các nguồn ngân sách, các khoản vay hỗ trợ của Chính phủ, các dự án và chương trình viện trợ ODA, các nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và các quỹ toàn cầu….
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng kể trong việc huy động nguồn lực tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ năm 2010 đến 2050, đầu tư toàn cầu cho biến đổi khí hậu có thể lên tới 30 - 100 tỷ USD
Cụ thể là đã huy động các nguồn lực tại chỗ, tranh thủ đóng góp, tham gia của các tổ chức, cá nhân cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và cứu trợ, khắc phục thiên tai.
Nhà nước đã có những ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách cho các Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu. Hàng năm, nguồn đầu tư từ ngân sách cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai được tăng dần. Ngoài ra, còn bố trí ngân sách dự trữ một số vật tư thiết yếu để cứu trợ khẩn cấp, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai.
Nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ của nước ngoài được ưu tiên huy động để có nguồn lực lớn và tập trung cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Bước đầu hình thành cơ chế huy động nguồn lực hợp tác quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu như Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) là chương trình cho vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách, với Nhật Bản là nhà tài trợ chính và một số nhà tài trợ khác.
Chương trình nhằm hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) và Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó dành phần lớn cho các dự án của các bộ, địa phương về ứng phó với biến đổi khí hậu theo tiêu chí lựa chọn dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do BĐKH gây ra, do vậy nhu cầu đầu tư cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam là rất lớn, nhất là những khu vực dễ bị tổn thương như khu vực ven biển và ĐBSCL. Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, của các Bộ, ngành và các địa phương, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ nguồn lực của các đối tác, các quốc gia phát triển, do vậy hợp tác quốc tế về BĐKH được Việt Nam quan tâm đặc biệt trong những năm qua. Sự nỗ lực cũng như các cam kết chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.Thông qua hợp tác quốc tế, Việt Nam đã huy động được nguồn lực tài chính đáng kể, chỉ tính riêng sự hỗ trợ thông qua Chương trình SP-RRC là gần 1,3 tỷ đô la.
Gần đây nhất, vào ngày 30/9/2015, Việt Nam đã đệ trình cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu về Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định, trong đó Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Cùng với cam kết mạnh mẽ này, việc xây dựng và triển khai có hiệu quả các hành động chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2020 là nền tảng quan trọng để tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nguồn lực tài chính của các đối tác phát triển cho công cuộc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.
Phạm Thu Hà