Nhiều bất thường tại Dự án đấu giá đất ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội?
(TNMT) - Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá Rau Xanh - Vườn Kẹ đang bị người dân phản ứng với hàng loạt bất thường như: dự án chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng đơn vị thi công đã san nền, làm hạ tầng; pháp lý chưa đầy đủ; việc thi công làm ảnh hưởng tới quá trình canh tác nông nghiệp của dân …
Dự án gây nhiều bức xúc
Phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường, đại diện 54 hộ dân tại thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cho biết, quá trình thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá Rau Xanh - Vườn Kẹ (sau đây sẽ gọi tắt là Dự án Rau Xanh – Vườn Kẹ) làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi cũng như cuộc sống của các hộ dân. Cụ thể, dự án này đang bị người dân phản ứng quyết liệt vì nhiều bất thường chưa được làm rõ như: chưa đủ hồ sơ pháp lý; chưa giải phóng xong mặt bằng đã san nền, làm hạ tầng; việc thi công đã san lấp mất hệ thống tưới tiêu khiến dân không thể canh tác nông nghiệp; giá bồi thường thấp không đảm bảo cuộc sống người dân…
Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Hùng (xóm 6, thôn Nội Xá) cho biết: “Tôi hiểu rằng một dự án chỉ được phép san nền, làm hạ tầng khi đã giải phóng xong mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác. Thế nhưng dự án này mới chỉ giải phóng mặt bằng được khoảng 50% huyện Ứng Hòa đã cho đơn vị thi công vào san nền, làm kè gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích canh tác của người dân chúng tôi.
Điều oái oăm ở đây là cứ hộ nào đồng ý nhận tiền bồi thường là đơn vị thi công cho đổ đất, san nền. Thành ra cả khu Rau Xanh – Vườn Kẹ bị san lấp theo kiểu cài răng lược, "xôi đỗ" nên những diện tích còn lại không thể canh tác được do mương máng tưới tiêu bị san lấp hết cả. Những hộ cố canh tác thì bị chuột phá hoại hoặc bị úng ngập sau mỗi trận mưa. Từ vụ đông năm 2022, người dân chúng tôi phải chấp nhận bỏ ruộng hoang, đau xót vô cùng”.
Ông Nguyễn Xuân Thành (xóm 6, thôn Nội Xá) thì bức xúc nói: “Diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả của xã Vạn Thái có nhiều nhưng tại sao chính quyền cứ nhất định phải thu hồi bờ xôi ruộng mật của người dân. Người dân chúng tôi được biết là tuyến đường tránh Quốc lộ 21B sẽ đi qua khu đất này nên huyện Ứng Hòa phải nhất quyết thu hồi để có thể bán đất với giá cao. Trong khi chính quyền thu hồi đất của dân với giá rẻ rồi sau đó đấu giá sẽ được giá cao không cân bằng hài hòa lợi ích của người dân khi thu hồi đất. Đặt vị trí vào người dân chúng tôi, thử hỏi ai mà không bức xúc?”.
Bà Ngô Thị Oanh (xóm 6, thôn Nội Xá) chia sẻ: “Người nông dân chúng tôi cả đời trông vào đồng ruộng, nay chính quyền chi trả cho người dân tổng cộng có 813.000 đồng/1 m2 thì sau này chúng tôi sẽ làm gì để mưu sinh? Liệu số tiền đền bù ít ỏi có giúp chúng tôi sống được đến cuối đời hay không? Khoảng tháng 6/2022, bất chấp những phản đối của người dân, chính quyền vẫn cho máy móc vào đổ đất, san nền khiến diện tích đất của những hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường không thể canh tác. Tôi cho rằng đây là cách thức để ép các hộ dân còn lại phải nhận tiền bồi thường và bàn giao đất”.
San nền khi chưa giải phóng xong mặt bằng
Tìm hiểu của phóng viên được biết, dự án Rau Xanh – Vườn Kẹ có tổng diện tích 33.487 m2 (khoảng 3,3 ha), trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 2,7 ha. Dự án do UBND huyện Ứng Hòa là chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Đức Hương và Công ty TNHH Xây dựng Huy Hoàng. Dự án này đã được UBND huyện Ứng Hòa phê duyệt gia hạn thời gian thực hiện với tiến độ được điều chỉnh thành năm 2022-2024.
Liên quan tới thông tin đơn vị thi công đã tổ chức san nền và bắt đầu làm hạ tầng tại dự án Rau Xanh – Vườn Kẹ, ông Nguyễn Đức Du, Chủ tịch xã Vạn Thái cho biết: “Hiện nay diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân đã đồng ý với phương án bồi thường và nhận tiền đền bù là 12.712 m2. Đối với phần diện tích này, đơn vị thi công đã tiến hành san lấp mặt bằng trên tinh thần hộ nào đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng là họ san lấp luôn. Việc san lấp được thực hiện từ cuối năm 2022 đến nay”.
Chủ tịch xã Vạn Thái cũng giải thích việc đơn vị thi công san lấp mất hệ thống mương máng làm ảnh hưởng tới quá trình canh tác của những hộ dân chưa đồng ý với phương án bồi thường như sau: “Khu vực Rau Xanh – Vườn Kẹ trước đây là khu gieo mạ của người dân. Sau khi dự án được triển khai và đơn vị thi công san nền thì việc gieo mạ tại đây không còn khả thi nữa. Chúng tôi đã chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp Nội Xá bố trí phần diện tích tại khu Man nhà để người dân có thể gieo mạ từ vụ Xuân 2023. Đối với các hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường, chúng tôi vẫn tích cực vận động để dự án có thể triển khai hiệu quả”.
Vấn đề đặt ra là đơn vị thi công tổ chức san nền, làm hạ tầng khi dự án này chưa giải phóng xong mặt bằng có đúng các quy định của pháp luật? Và ai phải chịu trách nhiệm trước việc nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân không thể canh tác do hệ thống mương máng bị san lấp? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Du khéo léo cho biết: “Đề nghị phóng viên liên hệ với chủ đầu tư là UBND huyện Ứng Hòa để nắm thêm thông tin. Các nội dung này vượt thẩm quyền trả lời của chúng tôi”.
Phóng viên cũng đã nỗ lực liên hệ với UBND huyện Ứng Hòa để tìm hiểu thông tin về các nội dung nêu trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Điều 53. Giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác
Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.(Nguồn: Điều 53 Luật Đất đai 2013 )
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...