Nhếch nhác bộ mặt Cảng Hà Nội: Bài 1- Sử dụng sai mục đích?

16/05/2016 00:00

(TN&MT) - Hàng loạt DN hoạt động trong phạm vi Cảng Hà Nội đã và đang biến nơi đây như là "nhà" của mình khiến nhiều hạng mục, công trình bị sử dụng sai mục...

 
(TN&MT) – Báo TN&MT nhận được phản ánh của người dân xung quanh Cảng Hà Nội (phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) về việc hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong khuôn viên cảng cố tình chiếm dụng hành lang ATGT để làm kho bãi, trụ sở công ty; xả thải trái phép xuống sông Hồng gây ô nhiễm môi trường; xe quá tải nối đuôi nhau ra vào cảng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… khiến người dân vô cùng bức xúc.
 
Công ty sản xuất bê tông Việt Đức uy hiếp hành lang bảo vệ cầu Vĩnh Tuy
Công ty sản xuất bê tông Việt Đức uy hiếp hành lang bảo vệ cầu Vĩnh Tuy
 
“Quây” kín chân cầu Vĩnh Tuy?
 
Theo phản ánh của người dân, năm 2013, sau khi các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội và Bộ GTVT vào cuộc xử lý tình trạng các bãi đỗ xe tại gầm cầu, thì hầu hết các hoạt động lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn tại chân cầu Vĩnh Tuy cơ bản được xóa bỏ. 
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp lựa chọn khu vực quanh đây để làm kho bãi tập kết hàng hóa; sản xuất và kinh doanh bê tông; kinh doanh thiết bị máy móc… gây mất mỹ quan và trật tự ATGT. 
 
Qua tìm hiểu thực tế, tại khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy, có rất nhiều kho bãi, công ty tư nhân  dùng để sản xuất và tập kết hàng hóa như: Công ty cổ phần đầu tư sông Đà - Việt Đức, Trạm bê tông Phú Kí, Công ty cổ phần đầu tư thương mại dầu khí Việt Nam, bãi máy Hưng Thành, Công ty CP Thương mại và Vận tải Việt-Xô, kho bãi Tuấn, kho chứa xăng dầu Mobil… ngoài ra còn có hàng loạt các kho xưởng trống treo biển cho thuê lại.
 
Vật liệu xây dựng được đổ thẳng xuống sông Hồng
Vật liệu xây dựng được đổ thẳng xuống sông Hồng
 
Những doanh nghiệp này ngang nhiên chiến dụng hành lang phía gầm cầu Vĩnh Tuy, hành lang đê sông Hồng làm địa điểm kinh doanh, vi phạm nghiêm trọng đến hành lang bảo vệ chân cầu Vĩnh Tuy, xả thải gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
 
Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh bê tông nơi đây còn xả thải trực tiếp xuống sông Hồng, đe dọa đến sự an toàn của cầu Vĩnh Tuy. Điển hình là hoạt động của Công ty Cổ phần Việt Đức sản xuất bê tông, bên cạnh việc vi phạm hành lang bảo vệ chân cầu thì hàng ngày, một lượng xe quá tải chuyên chở xi măng, bê tông… gây sụt lún nghiêm trọng hành lang đê điều, kéo theo tiếng ồn, khói bụi, khiến người dân vô cùng hoang mang, lo sợ mỗi khi di chuyển qua khu vực cảng.
 
Bên cạnh đó, tại khu vực Cảng Hà Nội, còn xuất hiện hàng trăm thùng xăng, dầu của một cửa hàng giới thiệu sản phẩm dầu Mobil. Những thùng xăng dầu này được tập kết ngoài trời, không có mái che, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân xung quanh.
 
Nhiều hạng mục sử dụng sai mục đích
 
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các công trình thuộc kết cấu hạ tầng của Cảng Hà Nội đến nay đã gần như xuống cấp hoàn toàn. Hiện tại, khu vực cảng Hà Nội chỉ khai thác được một phần nhỏ bằng việc vận chuyển xi măng, còn lại là hoạt động bốc dỡ cát sỏi chủ yếu diễn ra vào ban đêm.
 
Hàng trăm thùng dầu mobil được tập kết ngoài trời tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Hàng trăm thùng dầu mobil được tập kết ngoài trời tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
 
Hàng loạt các máy móc cẩu, băng chuyền… hiện đại lâu ngày không sử dụng đã trở nên hoen gỉ, nằm chỏng chơ bên bờ sông. Các công trình phụ trợ tại cảng cũng bị bỏ hoang nhiều năm trông rất phản cảm.
 
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết trước đây các kho bãi tại cảng Hà Nội được dựng lên mới mục đích để chứa hàng hóa nội địa vào khu vực cảng, nhưng đến nay hầu hết đã được thế chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân làm kho hàng trung gian để phân phối hàng hóa của mình tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các kho bãi này thường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao do vấn đề PCCC không được chú trọng.
 
Việc hoạt động không đúng chức năng dẫn đến tình trạng những khu đất cảng vô tình đã “biến” thành bãi đổ vật liệu xây dựng xuống lòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Một vài doanh nghiệp còn tận dụng phía bờ sông là nơi tập kết vỏ chai, nước uống, vỏ bia, sắt thép rỉ, kho bãi lụp sụp gây mất mĩ quan và ảnh hưởng đến hành lang đê điều.
 
hghg
Những chiếc xe quá tải chở xi măng  chờ rời cảng Hà Nội
 
Nơi dành cho tàu thuyền cập bến trở thành nơi đổ rác thải xây dựng, gây ô nhiễm và nguy cơ thay đổi dòng chảy của sông Hồng. Nhiều nơi trong địa phận cảng Hà Nội quản lý, cây cối dọc hai bờ sông được chặt phá để dành cho hàng trăm tấn phế thải vật liệu xây dựng. Thậm chí, trên hàng lang bảo vệ đê điều, Cảng Hà Nội còn xây dựng rất nhiều công trình trái phép mà hiện nay đang bỏ hoang hoặc sử dụng không hết diện tích.
 
Trước đó, vào cuối năm 2014 dư luận đã vô cùng sửng sốt khi Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) cổ phần hóa cảng Hà Nội với giá “bèo” cho Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Ngay sau khi nắm quyền điều hành, tân Chủ tịch Nguyễn Thủy Nguyên đã lập tức cho thôi chức Giám đốc Cảng Hà Nội, đơn vị đang nắm quyền quản lý hàng chục hécta đất cùng nhiều kho hàng, bến bãi ngay giữa lòng Thủ đô.
 
Động thái này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ việc mua lại Cảng Hà Nội của Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường không nhằm mục đích hoạt động cảng mà là thâu tóm đất vàng? Bởi, cho đến nay hệ thống cảng Hà Nội dường như chỉ hoạt động cầm chừng. Hầu hết các công trình thuộc kết cấu hạ tầng, máy móc cẩu, băng chuyền đã xuống cấp, hàng loạt công trình phụ trợ tại cảng bị bỏ hoang, kho bãi chứa hàng hóa nội địa vào khu vực cảng đang bị sử dụng sai mục đích…
 
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ có quy định rất rõ về Giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, cống. Theo đó, giới hạn hành lang an toàn tại chân cầu Vĩnh Tuy là 150m (áp dụng với cầu có chiều dài lớn hơn 300m). Tuy nhiên, trên thực tế thì một số Doanh nghiệp tận dụng cả không gian phía gầm cầu làm mái che phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.
 

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này.

Bích Động
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhếch nhác bộ mặt Cảng Hà Nội: Bài 1- Sử dụng sai mục đích?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO