Theo ông Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, hiện nay chúng ta đã hoàn thành mạng lưới các trạm định vị vệ tinh (VNGEONET) thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. VNGEONET bước đầu đi vào hoạt động làm thay đổi cơ bản hạ tầng đo đạc theo xu hướng hiện đại và đáp ứng độ chính xác cao, góp phần trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0... Tuy nhiên, việc vận hành và thực hiện các bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng vẫn chưa được tối ưu hóa. Bên cạnh đó, để phát triển và duy trì hệ thống cần xây dựng cơ chế thu phí dữ liệu một cách phù hợp, có ó chính sách mở rộng người sử dụng.
VNGEONET: Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 |
Để VNGEONET của Việt Nam hoạt động bền vững và hiệu quả, từ năm 2021 đến năm 2023, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quản lý và khai thác mạng lưới trạm định vị vệ tinh Việt Nam” từ năm 2021 đến năm 2023. Mục tiêu của dự án nhằm giúp Việt Nam tối ưu hóa giá trị và hiệu quả của các trạm CORS, qua đó hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đề ra, dự án sẽ triển khai 3 nội dung chính như: Nghiên cứu về VNGEONET; Phân tích so sánh VNGEONET với hệ thống trạm định vị vệ tinh của Nhật Bản để từ đó xác định các vấn đề trong quá trình hoạt động và tổ chức hội thảo cho các nhà điều hành và sử dụng dữ liệu VNGEONET; Xây dựng hướng dẫn vận hành VNGEONET trong đó sẽ có các khóa đào tạo tại Nhật Bản và Việt Nam.
Kết quả dự án sẽ giúp các chuyên gia vận hành quản lý trạm CORS của Việt Nam nắm bắt được các quy trình quản lý, bảo trì hệ thống trạm CORS; quy trình liên quan đến chống sét cho các trạm, quy trình về sao lưu giữ liệu cũng như các quy định về thu phí dữ liệu, dịch vụ khai thác dữ liệu, ứng dụng mở rộng.