Nhân lên những hành động đẹp

Ngọc Lý| 02/03/2021 10:36

(TN&MT) - Mấy ngày qua, hình ảnh người đàn ông cứu cháu bé rơi từ tầng 12A ở Hà Nội được mạng xã hội tôn vinh với những tình cảm đẹp nhất. Anh là Nguyễn Ngọc Mạnh, 31 tuổi, một công dân bình thường như bao người khác. Trước mỗi một hành động đẹp, nghĩa cử đẹp, bao giờ cũng thôi thúc cho chúng ta một niềm vui sống mới. Và, như lời Mạnh thì, ai trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ hành động như anh mà thôi.

Thực ra, về bản chất, trong mỗi con người, sự tử tế, lòng tin yêu luôn được nuôi dưỡng.

Thế giới cũng đã có Ngày Thế giới tử tế, được tổ chức hàng năm vào ngày 13/11. Vào ngày này, những người tham gia cố gắng làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn bằng cách tôn vinh và thúc đẩy những hành động tốt và cam kết hành động vì sự tử tế, với tư cách cá nhân hoặc tổ chức.

Nhưng rất có thể, trong một guồng quay nào đó, trong một chút “xao lòng”, không giữ mình, người ta có thể trở nên không còn tử tế.

Ảnh minh họa

Để đo lường việc xây dựng một đất nước đa chủng tộc thành một xã hội văn minh và chu đáo, đảo quốc Singapore đã xây dựng Chỉ số tử tế (GI) nhằm theo dõi, đưa ra đánh giá. Kết quả hàng năm cho thấy, Chỉ số GI rất ổn định trong cách cư xử lịch thiệp của người dân Singapore.

Nhìn bạn soi lại ta, chỉ với hai đô thị lớn của Việt Nam: Hà Nội và TP. HCM, nếu đo Chỉ số tử tế của người dân đô thị, liệu chúng ta được bao nhiêu điểm?!

Để kiểm chứng điều này, chúng ta hãy “xuống đường” vào những giờ tan tầm, khi đó, ta sẽ thấy thái độ hành xử và ứng xử của người dân đô thị giữa sự hỗn loạn của giao thông như thế nào?

Cho đến bây giờ, khi điểm lại các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chúng ta bỗng giật mình khi thấy còn quá nhiều hành vi đi chệch với các tiêu chuẩn đạo đức xã hội, vi phạm các quy định của pháp luật. Có thể nói, ý thức trọng pháp chưa thực sự thấm sâu vào từng hành động của mỗi công dân. Và nếu ý thức trọng pháp không có, lúc này, liệu chúng ta đã có một xã hội tử tế?!

Người dân khi muốn hỏi một vấn đề nào đó liên quan đến cơ quan công quyền thì bộ máy công quyền đó phải vận hành và trả lời thấu đáo. Nhưng không ít trường hợp, người dân phải lót tay mới có được thông tin mình muốn. Liệu những công chức như thế có là người tử tế?

Một người sống trên nhà cao tầng, khi vô tư xả rác qua cửa sổ nhà mình, cũng có nghĩa anh ta đã đánh cắp công sức lao động của người lao công. Liệu đó có phải là hành động của một người tử tế?

Một đô thị văn minh khi có những cư dân đô thị văn minh. Vương quốc nhỏ bé Bhutan biến khái niệm trừu tượng hạnh phúc thành chỉ số để đo lường; Singapore đo lường Chỉ số tử tế để xây dựng thành phố văn minh.

Nên chăng, ta xây dựng Chỉ số lòng tự trọng trong mỗi người dân đô thị. Khi mà người dân chưa biết đỏ mặt khi vượt đèn đỏ, xả rác từ trên cao xuống, nhổ bậy giữa đường…, khi còn đó thái độ vô cảm trước sự phổ biến của tình trạng lộng quyền, vô tư chiếm đoạt quyền của người khác trong cuộc sống hàng ngày - thì khi đó, có lẽ, chúng ta chưa có những cư dân văn minh trong một đô thị văn minh.

Nhân lên những hành động nhân ái bao dung, những nghĩa cử cao đẹp trong mỗi người, chúng ta sẽ tạo đựng được một xã hội bền vững, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên những hành động đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO