Nhân Hội cướp phết Hiền Quan “vỡ trận”, nói về tục cướp "lộc" đầu năm

18/02/2019 19:35

(TN&MT) - Nhiều người không hiểu được điều này, khi đi xem lễ hội (của một làng, một cộng đồng cư dân khác) vẫn cố tình chen lấn để giành ít “lộc” về cho mình. Những hình ảnh phản cảm xuất phát từ sự ngộ nhận tai hại này.

Việc UBND huyện Tam Nông phải ra công văn khẩn yêu cầu tạm dừng phần cướp phết tại Lễ hội Phết Hiền Quan 2019 chắn hẳn không làm dư luận quá bất ngờ. Nguyên nhân bởi ban tổ chức lễ hội để tái diễn cảnh bạo lực, chen nhau cướp phết của những người tham gia lễ hội bất chấp những nỗ lực của lực lượng an ninh được bố trí dày đặc.

Nhìn rộng ra, sự cố tại Lễ hội Phết Hiền Quan 2019 chỉ giống như giọt nước tràn ly trong một mùa lễ hội mà bạo lực lúc nào cũng chực chờ bùng phát mỗi khi xuất hiện nghi thức ban lộc Thánh. Nhiều lễ hội như: lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); lễ hội đền Trần (Nam Định); lễ hội chùa Hương (Hà Nội) … Ban tổ chức phải bỏ hẳn tục cướp lộc, phát lộc để không tái lặp hình ảnh tiêu cực, phản cảm như mọi năm.

dung cuop phet dan hien quan
Hình ảnh cướp phết tại Lễ hội Phết Hiền Quan 2019 (nguồn: internet)

Nói vậy để thấy rằng, tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc … tại một số lễ hội đầu năm thực sự trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với dư luận xã hội mà ngay cả những đơn vị quản lý văn hóa. Ấy nhưng cảm giác khá rõ trong mùa lễ hội năm nay là ý thức người tham gia lễ hội vẫn chưa có những cải thiện rõ rệt. Hiệu quả được đánh giá là tích cực đa phần đến từ những quyết định từ cơ quan quản lý văn hóa (cụ thể là nhiều lễ hội bị yêu cầu phải từ bỏ tục cướp lộc để tránh tiêu cực). Trông chờ vào ý thức người tham gia lễ hội có vẻ vẫn là điều quá xa vời.

Trong tâm thức của một cộng đồng, vật thiêng trong lễ hội là kết tinh cao nhất cho những giá trị tâm linh mà cộng đồng đó hướng tới. Vì thế nhiều người quan niệm, nếu ai cướp được “lộc” thì người đó sẽ được may mắn trong cả năm. Thực tế nhiều cổ lễ có tục cướp lộc thì hành động đó giống như là tập tục hơn một nghi lễ.

Nhưng điều đáng nói hiện nay là có những thứ trước đây quy định không cướp nhưng giờ người ta lại thi nhau cướp thì rõ ràng đó là những biến tướng sai lầm. Giờ đây người ta có thể cướp tất cả những gì có liên quan hoặc chỉ gián tiếp liên quan tới thánh, thần. Một ví dụ điển hình là tại lễ hội đền Trần những năm trước đây, người dân tranh nhau cướp từng cành hoa, từng chiếc bánh, lon bia … hay được sờ tay vào một cái gì đó trong điện thờ. Họ cho rằng như vậy là đạt được lộc, đạt được vật thiêng.

cuop phet hien quan
UBND huyện Tam Nông phải chỉ đạo tạm dừng phần cướp phết tại lễ hội Phết năm nay (nguồn ảnh: Internet)

Ấy nhưng nhiều chuyên gia văn hóa đã chỉ ra mối quan hệ giữa vật thiêng với những giá trị bảo trợ tinh thần nào đó. Vì thế làng nào có lễ hội của làng ấy và trong những lễ hội đó, bao giờ cũng có vật thiêng của riêng cộng đồng cư dân với những quan niệm, niềm tin tín ngưỡng rất đặc thù. Về mặt bản chất, nếu không cùng nhau hướng về những giá trị tinh thần chung thì “lộc” Thánh hoàn toàn không có tác dụng. Ấy thế nhưng nhiều người không hiểu được điều này, khi đi xem lễ hội (của một làng, một cộng đồng cư dân khác) vẫn cố tình chen lấn để giành ít “lộc” về cho mình. Những hình ảnh phản cảm xuất phát từ sự ngộ nhận tai hại này.

Vậy tại sao sự ngộ nhận này kéo dài mãi? Do người dân thiếu hiểu biết hay biết mà vẫn làm? Lý giải cho hiện trạng này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) nhận định: “Trong nhận thức, người ta nghĩ cướp vật thiêng sẽ có nhiều lộc, mang lại quyền lợi nên họ lao vào mong cướp cho bằng được vật thiêng. Truyền thống xưa không bao giờ xảy ra tranh cướp lộc, ấn, càng không đến độ đánh nhau. Điều này xuất phát từ nguyên nhân ngoài xã hội. Hiện nay người ta tìm cách cướp của nhau thì đối với thần thánh cũng vậy thôi. Tính vụ lợi ngày càng phổ biến trong suy nghĩ của người dân nên khi đi lễ hội, cái gì người ta cũng cướp. Đi đường cũng tranh cướp, đi ăn cũng tranh cướp, đi tắm cũng tranh cướp … cái gì trong cuộc sống cũng tranh nhau bất chấp tính mạng của đồng loại. Thực tế sẽ chẳng có may mắn, hạnh phúc nào đến với người có hành vi cướp giật. Nhưng do sự mê tín thái quá, một bộ phận người dân đã không còn kiềm chế xúc cảm cá nhân, đã không còn giữ lễ tục trong ứng xử công cộng như xưa nữa”.

Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, tâm lý đi lễ hội là phải giành được vật thiêng là không thể chấp nhận được. Song nhiều người không nhận ra, lại nguỵ biện cho là “bảo lưu truyền thống”. Người ta dùng nó như tấm bình phong để ngụy biện cho những hành động thiếu văn hóa của mình. Nếu sự ngộ nhận này không sớm được giải quyết, những hình ảnh phản cảm liên quan tới cướp lộc đầu năm sẽ khó mà cải thiện được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Hội cướp phết Hiền Quan “vỡ trận”, nói về tục cướp "lộc" đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO