Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện còn hơn 20.000 căn nhà nằm ven và trên kênh rạch. Trong năm năm tới, kế hoạch đặt ra là di dời, giải tỏa một nửa trong số này. Vậy đời sống người dân ở đây ra sao? Và họ nghĩ gì về chuyện di dời tới đây.
Quận 4 và quận 8 là hai địa phương có số lượng nhà ở lụp xụp trên và ven kênh rạch nhiều nhất TP.HCM. Hàng chục ngàn người dân tại đây bao nhiêu năm qua đã sống ra sao?.
Toàn cảnh những căn nhà lụp xụp nằm ven và trên kênh ở quận 8, nhìn từ cầu Chánh Hưng. |
Sống thấp thỏm trên sông nước
Trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, chúng tôi rẽ vào lối đi nhỏ xíu dẫn ra những căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh Tẻ. Những tấm ván ghép lại lót làm đường đi lộ ra vô số khe hở, rung rinh theo những bước chân người. Khi chúng tôi tới, căn nhà của ông Huỳnh Văn Ba lồng lộng gió vì nằm hoàn toàn trên kênh, chỉ được che chắn bằng những tấm ván hoặc tôn tạm bợ.
Ông Ba nay đã 80 tuổi. Ông sinh ra chính tại nơi đây, lớn lên đi kinh tế mới ở Tây Ninh đến năm 1989 lại quay về ở đến tận bây giờ. Trước đây căn nhà của ông nằm trên bờ, sát mép sông. Khoảng năm 2000, con cháu đông lên, không có điều kiện mua nhà nên ông cất thêm cái chòi trên sông nối với nhà cũ mới đủ sức chứa. Gần như cả đời sống gần sông nước nhưng lúc nào ông Ba cũng lo lắng về sự an toàn cho bản thân và gia đình, nhất là khi chứng kiến một số nhà xung quanh sụp đổ vì gỗ mục. Chính căn nhà của ông năm ngoái cũng đã sập một lần. Ông vừa được UBND phường 1 cho vay 20 triệu đồng để sửa chữa lại.
Ông Ba tâm sự lo thì lo vậy thôi nhưng cũng không làm gì được vì kinh tế gia đình khó khăn, không đủ tiền để lên bờ. “Sống đến ngần này tuổi rồi, nghe nói Nhà nước sẽ giải tỏa khu này, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì con cháu tôi sẽ không còn phải sống chen chúc và bất an trên sông nước, tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng. Lo vì nhà cửa thế này không biết có được bồi thường, tái định cư gì không, hay đời con cháu tôi lại phải sống lây lất nữa” - ông Ba trầm ngâm.
Bước dọc theo bờ kênh Đôi, chúng tôi ghé nhà bà Phạm Thị Năm, phường 5, quận 8. Mới đây, căn nhà vách tôn, sàn gỗ của bà bị sập do ván sàn bị mục, may mắn lúc đó bà Năm không ở nhà nên thoát hiểm. Bà Năm cho biết: “Trước đó vài tháng tôi thấy nhà mình có dấu hiệu lắc lư do cây cừ đã cũ, ván gỗ trên sàn cũng mục. Sợ nhà sẽ sụp nên tôi định làm đơn xin phường cho sửa chữa nhưng chưa kịp làm thì nhà đã sụp rồi”.
Sau đó UBND phường 5 quyên góp cho bà 15 triệu đồng để sửa lại căn nhà. Bà Năm dùng số tiền đó làm tường và thay số cừ bị hỏng để nhà chắc chắn hơn. “Sống ở đây luôn thấp thỏm, cừ tràm rất mau hỏng, hơn một năm là phải thay lại rồi”. Vừa nói bà Năm vừa rửa rau, chiếc bếp ga mini nhỏ đang rực lửa nằm sát một bên “cầu tõm”.
Chị Phạm Thị Bông (phường 4, quận 8) đang sửa lại gian bếp mới bị sụp. |
Ngại ngần lên chung cư
Từ hàng chục năm nay, các hộ dân sống ven và trên kênh rạch chưa bao giờ thôi ước mong một mái nhà trên đất liền để các thế hệ con cháu khỏi phải nhìn thấy dòng kênh đen, rác bẩn nổi lềnh bềnh và thấp thỏm nỗi lo sập nhà. Tuy nhiên, điều họ lo lắng hơn chính là làm gì để sống trong một môi trường hoàn toàn mới.
Điều lạ là khi chúng tôi nhắc đến việc tái định cư tại các chung cư, rất nhiều người dân ở “xóm nước đen” tỏ ra ngại ngần. “Chúng tôi ở đây chủ yếu là dân lao động nghèo, ít chữ nghĩa, chỉ biết bốc xếp, buôn thúng bán bưng, nhặt nhạnh ve chai để sống qua ngày. Lên chung cư sẽ làm gì để sống?” - ông Huỳnh Văn Ba lo lắng. Ông Ba giãi bày điều sống còn với người dân lao động là ngoài một chỗ ở thì phải có một công việc để mưu sinh.
Tương tự, bà Phạm Thị Năm bày tỏ: “Chúng tôi ở trên sông bao đời nay sống thấp thỏm, nghề nghiệp không có, thu nhập rất thấp. Tôi nghe nói lên chung cư sẽ phải trả nhiều chi phí, tiền rác, tiền giữ xe, phí bảo trì…, trong khi chúng tôi kiếm được đồng nào ăn hết đồng đấy. Cuộc sống như thế sẽ áp lực lắm”. Bà Năm cho biết bà đã từng thấy nhiều người ở rạch Ụ Cây (quận 8) được bố trí lên chung cư phải bán nhà tái định cư, quay về lại quận 8 mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Chung (phường 4, quận 8) trong căn nhà lụp xụp, nơi trú ngụ nhiều thế hệ. |
Mưa to không dám ở trong nhà Đã hơn 30 năm nay, gia đình bà Phạm Ngọc Lan, phường 5, quận 8 sống trong một căn nhà nổi được cắt đôi từ gian bếp của nhà cha mẹ đẻ. Sàn nhà được lắp từ những miếng ván gỗ đã cũ, tường và trần nhà đều bằng tôn, cái gác nhỏ tăm tối, nóng hầm và đang mục nát. “Chúng tôi chẳng dám bước đi mạnh, chỉ đi bình thường thôi đã thấy sàn nhà rung rinh rồi. Nhiều khi mưa gió to quá, cả nhà phải chạy ra khỏi nhà vì sợ sập” - bà Lan kể. Bà Lan cho biết ở đây gần như không gia đình nào có nhà vệ sinh mà chỉ dùng “cầu tõm”. Mọi thứ đều… thải hết xuống sông. “Nhiều đêm cả nhà ngủ chật ních dưới sàn mà không hay thủy triều lên, đến gần sáng khi tỉnh dậy thì nước đã tràn vào nhà, hôi thối kinh khủng lắm. Bây giờ tôi phải dùng ván để ngăn nước tràn vào nhà nhưng hễ có tàu chạy qua thì sóng lại đánh ầm vào. Khổ lắm!” - bà Lan nói. __________________________________ 12.369 là tổng số căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch nằm trên địa bàn quận 8. Trong thời gian qua, quận đã tổ chức di dời, giải tỏa dân để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (phường 9, 10, 11); cải thiện môi trường nước kết hợp dự án đầu tư xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Đến nay còn khoảng 9.503 căn nhà chưa được giải tỏa, tập trung chủ yếu dọc các tuyến kênh Tàu Hũ - Lò Gốm, kênh Đôi. Đa số nhà trên và ven kênh, rạch đều xây dựng không hợp pháp, lụp xụp, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch. Người dân chủ yếu sinh sống bằng làm thuê, làm mướn nên đời sống rất khó khăn. Trích báo cáo của UBND quận 8 |
Theo Pháp Luật TPHCM