Nhà nước Đại Cồ Việt - Nền móng cho vùng đất Cố đô hưng thịnh

06/04/2018 18:18

​​​​​​​(TN&MT) - Năm 968, sau khi thống nhất được quốc gia, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức Nước Việt to lớn), định đô ở Hoa...

(TN&MT) - Năm 968, sau khi thống nhất được quốc gia, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức Nước Việt to lớn), định đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Mở ra một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc - thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ lâu dài với sự nối tiếp nhau của các nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Mặc dù chỉ kéo dài 12 năm nhưng trong quá trình tồn tại Nhà nước Đại Cồ Việt giữ vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, là nền móng cho sự phát triển của đất nước nói chung và vùng đất Cố đô hưng thịnh nói riêng.
 
Vai trò to lớn của sự ra đời Nhà nước Đại Cồ Việt
 
Ra đời trong đấu tranh dẹp loạn, Nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập, xuất hiện trên vũ đài lịch sử với ngọn cờ thống nhất đất nước. Mặc dù chỉ kéo dài 12 năm (968 - 980), trải qua 02 đời vua, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đã có những đóng góp lớn lao về mọi mặt, giữ vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Nhà nước Đại Cồ Việt - Nền móng cho vùng đất Cố đô hưng thịnh
Khu di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư thu hút được rất nhiều sự tham quan của các du khách trong và ngoài nước
Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời vào năm 968 đã chấm dứt tình trạng phân tán, cát cứ kéo dài, mà “loạn 12 sứ quân” chỉ là một hiện tượng điển hình; cùng với đó, quốc gia dân tộc được thống nhất với cương vực lãnh thổ riêng.
 
Với việc thiết lập triều đình riêng do một hoàng đế đứng đầu, có niên hiệu riêng, quản lý một lãnh thổ riêng biệt, sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt chính là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước vừa mới được khôi phục sau một thiên niên kỷ lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc.
 
Đối với Việt Nam, một nước nhỏ bé ở bên cạnh một đế chế hùng mạnh, rộng lớn như Trung Hoa, thì việc đặt tên nước, xưng đế hiệu, định niên hiệu mang một ý nghĩa lớn về ý thức tự tôn, tự cường dân tộc.
 
Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại tuy sơ khai nhưng đã mở ra một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc - thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ lâu dài với sự nối tiếp nhau của các nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.
Nhà nước Đại Cồ Việt - Nền móng cho vùng đất Cố đô hưng thịnh
Đền vua Đinh trong Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Với việc tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ gồm một đội ngũ quan lại có phân công, phân nhiệm rành mạch và việc chia đất nước thành các đơn vị hành chính mới, Nhà nước Đại Cồ Việt là một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền độc lập, tự chủ, hoà hợp và mở rộng, gắn bó với cộng đồng giáp, xã; đối ngoại mềm dẻo trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền của dân tộc. Trên cơ sở ban đầu đó, các vương triều sau còn phải tiến hành sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và củng cố cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến loại hình phương Đông ở nước ta.
 
Hơn nữa, bằng những hoạt động đối nội và đối ngoại phù hợp, Nhà nước Đại Cồ Việt đã đưa lịch sử nước ta vào một bước phát triển mới chưa từng có (so với trước đó), khôi phục lại thế đứng hiên ngang cho đất nước, cho dân tộc. Nhờ vậy, từ đây, đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt, bằng sức sống bền bỉ và năng động của mình đã vươn lên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với mọi âm mưu và hành động xâm lược của giặc ngoại xâm, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực trước những biến động lớn đã từng xảy ra và còn tiếp diễn ở nhiều thế kỷ sau này.
 
Như vậy, kể từ thế kỷ X, trên hành trình lịch sử Đại Cồ Việt - Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam, Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) mãi mãi xứng đáng với vị trí mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc.
 
Phát huy truyền thống quê hương Cố đô
 
Phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông, quân và nhân dân Ninh Bình kế thừa, hun đúc và phát huy mạnh mẽ trong những năm đầu thế kỷ XX, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh. Quân, dân và các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia cách mạng, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đóng góp những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng. Ghi nhận và đánh giá công lao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 7/8 huyện, thành phố; hơn 70 đơn vị xã, phường, thị trấn; 16 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; có 1.216 mẹ được phong và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, cùng hàng nghìn tập thể và cá nhân đã được khen thưởng Huân, Huy chương các loại.
Nhà nước Đại Cồ Việt - Nền móng cho vùng đất Cố đô hưng thịnh
Khu di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư sẽ là nơi diễn ra Lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt vào cuối tháng 04/2018
Không chỉ kiên cường, anh dũng trong kháng chiến chống ngoại xâm mà trong thực tiễn xây dựng quê hương, người dân Ninh Bình đời sau nối tiếp đời trước hun đúc nên những phẩm chất, tính cách cao đẹp trở thành truyền thống quý báu. Đó là truyền thống cần cù trong lao động sản xuất, sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật. Quá trình lịch sử đấu tranh xây dựng và phát triển quê hương, nhân dân Ninh Bình đã sáng tạo một không gian văn hoá đặc sắc. Nhiều danh nhân tiêu biểu của Ninh Bình như: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật và các nhà khoa học, các tướng lĩnh đương đại… đã làm rạng rỡ quê hương.
 
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ sau khi tái lập tỉnh (01/04/1992), dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo; phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương Cố đô anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tích quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực.
 
Trong tháng 04/2018 sẽ diễn ra Lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã thống nhất giang sơn, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc. Đặc biệt, phấn khởi trước những kết quả quan trọng đạt được trong thời kỳ đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra, phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước Đại Cồ Việt - Nền móng cho vùng đất Cố đô hưng thịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO