Nhà máy thủy điện nhỏ “thắp sáng” ngôi làng đồi xa xôi ở Bangladesh

24/08/2018 12:50

(TN&MT) - Rẻ hơn năng lượng mặt trời và dễ bảo trì, các nhà máy thủy điện “pico” cung cấp dạng điện khả thi duy nhất cho các ngôi làng hẻo lánh ở vùng đồi Chittagong, thị trấn Balaghata, huyện Bandarban, phía Đông Nam Bangladesh.

 

Để đến ngôi làng xa xôi Aung Thuwai Pru Para ở vùng đồi Chittagong, trước tiên bạn cần đến quận nhỏ Thanchi, một địa điểm du lịch nổi tiếng cách thủ đô Dhaka của Bangladesh khoảng 400 km, trên những con đường đồi núi.

 

Đó không phải là tất cả. Khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước. Từ Thanchi, bạn phải đi thuyền với một động cơ lắp ngoài 12 km ngược dòng trên sông Sangu để đến Padmamukh. Từ đó, bạn cần phải đi bộ khoảng 4 km trên địa hình khó khăn để đến Aung Thuwai Pru Para. Thư giãn dưới ánh điện sau khi mặt trời lặn là một giấc mơ xa xỉ đối với những người nghèo của làng nông nghiệp này – ngôi làng nằm trên đỉnh đồi và được bao quanh bởi các đồi cao hơn. Chỉ có một vài trong số 30 gia đình trong làng có thể mua các tấm pin mặt trời. Không có điện, cuộc sống ban đêm của họ cứ thế trôi qua âm thầm.

 

Người dân không có gì để làm sau khi họ làm xong việc đồng ruộng, và không thể sử dụng một sản phẩm điện tử - có thể là một máy dệt để tạo thu nhập hoặc điện thoại hoặc máy tính hoặc phục vụ mục đích giải trí.

 

Làng này không thuộc mạng lưới quốc gia do nằm ở vùng sâu vùng xa. Sau khi mặt trời lặn, các gia đình nghèo hơn phải sử dụng đèn đốt dầu hỏa nhỏ cầm tay để làm việc nhà.

 

Tuy nhiên, gần đây, cuộc sống ban đêm của họ được “thắp sáng” nhờ vào việc xây dựng một nhà máy thủy điện pico (thủy điện pico này hướng đến các hệ thống tạo ra tới 10 KW điện).

 

Tổ chức phi chính phủ Oporajeo có trụ sở tại Dhaka đã sản xuất thành công 10 KW điện từ một nhà máy thủy điện pico.

 

Cuối tháng trước, tổ chức này đã lắp đặt nhà máy này trên dòng sông tại Aung Thuwai Pru Para đổ vào Sangu.

Lắp đặt nhà máy thủy điện pico. Ảnh: Oporajeo
Lắp đặt nhà máy thủy điện pico. Ảnh: Oporajeo

“Nhà máy này không hạn chế dòng chảy của con sông - thay vì nó có thể sản xuất điện với lưu lượng nước tối thiểu có sẵn. Hơn nữa, nó đòi hỏi rất ít công sức và chi phí bảo trì, do đó, nó trở thành một mô hình năng lượng xanh khổng lồ ở quốc gia, nơi mà phần lớn điện được tạo ra bằng cách đốt các nhiên liệu hóa thạch”, chuyên gia năng lượng nổi tiếng BD Rahamatullah đánh giá.

 

Dân làng sử dụng phương pháp trồng trọt “jhum” - một phương pháp nông nghiệp đốt truyền thống trên đồi. Điều này có nghĩa là họ chỉ có thể thu hoạch vụ mùa của họ mỗi năm một lần, vì họ không có phương tiện để tưới cho cánh đồng với nhiều loại cây trồng. Giờ đây điều này sẽ thay đổi.

 

“Nhà máy thủy điện nhỏ trên sẽ cung cấp điện cho 30 gia đình, giúp họ có thêm thu nhập, có thể tưới nước cho cây trồng, lắp đặt hệ thống lọc nước uống an toàn, sử dụng thiết bị gia dụng và tạo thêm nhiều cơ hội cho con cái của họ”, Kazi Monir Hossain, Giám đốc điều hành của Oporajeo Ltd nhấn mạnh.

 

Trong tương lai gần, tổ chức phi chính phủ Oporajeo mong muốn thành lập thêm các nhà máy thủy điện pico ở các làng khác của huyện Thanchi Upazila như một phần của sáng kiến ​​mà họ đang tiến hành ở vùng đồi Chittagong.

 

Hàng loạt lợi ích

 

Người dân ngạc nhiên nhất khi nhà máy điện được lắp đặt là dân làng ở Aung Thuwai Pru Para.

 

Người đứng đầu ngôi làng, Neng Thuwai Pru Marma và những nhiều người đàn ông và phụ nữ khác đã chia sẻ niềm vui với thethirdpole.net về những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ kể từ khi có nhà máy điện pico.

 

"Ngoài mục đích sinh hoạt, chúng tôi có thể sử dụng điện cho thủy lợi ở những ngọn đồi, nơi mà cuộc khủng hoảng nước vẫn tồn tại quanh năm", Neng Thuwai Pru Marma cho biết. Dân làng hiện đang có kế hoạch lắp đặt một máy bơm tưới tiêu để chuyển nước từ sông Sangu gần đó cho các cánh đồng của họ vào mùa đông sắp tới. Nếu tưới tiêu thường xuyên, nông dân sẽ có thể sản xuất tối đa 3 vụ một năm thay vì một vụ.

 

Dân làng cũng sẽ vận hành máy dệt để sản xuất quần áo truyền thống. Đây là nghề phổ biến và dân làng có thể kiếm thêm thu nhập đáng kể từ việc mở rộng phạm vi bán hàng.

 

Như một cách để cam kết với dự án, người dân đã bắt đầu tiết kiệm BDT 1 cho mỗi hộ gia đình vào mỗi ngày. Mặc dù đó chỉ là một con số nhỏ và chỉ có 30 gia đình nhưng nếu tính cả năm con số này sẽ lên đến 10.800 BDT (tương đương 125 USD) mỗi năm. Theo ước tính, chi phí bảo trì hàng năm của nhà máy chỉ bằng một phần tư con số này. Các khoản tiết kiệm sẽ được “để dành” để giúp thay thế nhà máy khi cần thiết - trong khoảng 20 năm.

 

Nhân rộng mô hình trên các ngọn đồi

 

Gần đây, Ban Phát triển vùng đồi Chittagong đã trình một đề xuất dự án toàn diện cho Bộ liên quan. Những đề xuất này bao gồm một số nhà máy thủy điện pico ở huyện Thanchi, Alikadam và Ruma của Bandarban.

 

BD Rahmatullah, cựu Tổng giám đốc của In Bangladesh’s Power Cell cho biết: “Đây là nhà máy năng lượng tái tạo rẻ nhất từng được xây dựng ở Bangladesh, với chi phí 0,11 triệu BDT (tương đương 2.150 USD) để xây dựng nhà máy điện 10 KW”.

 

Nếu nhân lên, con số này khoảng 18 triệu BDT (215.000 USD) cho 1 MW điện. Trong khi đó, chi phí lắp đặt một nhà máy điện mặt trời 1 MW là khoảng 28 triệu BDT (334.000 USD) và 20 triệu BDT (238.500 USD) đối với than. Và đặc biệt, điện pico không giống như năng lượng mặt trời - không yêu cầu lớn về đất đai, và không giống như than đá - không gây ô nhiễm.

 

Đây là lần đầu tiên mở rộng thủy điện kể từ khi dự án thủy điện duy nhất trong cả nước được xây dựng ở thượng lưu Kaptai của Chittagong ở Rangamati. Dự án trên được xây dựng vào năm 1962, hàng trăm người phải di dời. Nó hiện sản xuất 208 MW trong giờ cao điểm so với công suất lắp đặt 250 MW.

 

Kế hoạch năng lượng tái tạo của chính phủ

 

Theo Công ty Lưới điện của Bangladesh, đất nước này sản xuất 1.000-1.100 MW điện hàng ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Chính phủ cho biết 76% dân số được sử dụng điện khi sản lượng điện bình quân đầu người là 380KW giờ.

 

Là nước có nền kinh tế phát triển mạnh với mật độ dân số cao, Bangladesh muốn trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2021. Chính điều này đã dẫn đến việc quốc gia này phê duyệt một số dự án điện dựa phụ thuộc vào than đá.

 

Trong khi Bangladesh đã triển khai tốt các hệ thống nhà năng lượng mặt trời trong nước - lắp đặt hơn 4 triệu hệ thống trong hai thập kỷ qua - đây là những chi phí so sánh với khả năng mua của người dân nghèo vùng nông thôn.

 

Nước này chỉ sản xuất 242 MW điện từ năng lượng mặt trời, gió và sinh khối trong khi tổng công suất lắp đặt là hơn 16.200 MW. Chính phủ có kế hoạch sản xuất 2.666 MW từ các nguồn tái tạo vào năm 2021 và đến năm 2041, khoảng 35% điện sẽ đến từ than và 10% từ năng lượng hạt nhân.

 

Thủy điện, đặc biệt là các dự án thủy điện nhỏ, vi mô và pico có thể giúp thu hẹp khoảng cách năng lượng tái tạo.

 

“Mặc dù mục tiêu chính của chúng tôi là thúc đẩy năng lượng mặt trời như năng lượng tái tạo trên toàn quốc, nhưng hiện tại chúng tôi đang tập trung cao độ vào việc thực hiện các dự án thuỷ điện tại vùng đồi Chittagong – nơi sử dụng nguồn nước tự nhiên” - Siddique Zobair, thành viên của Cơ quan phát triển Năng lượng tái tạo Bền vững của Bangladesh (SREDA) cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà máy thủy điện nhỏ “thắp sáng” ngôi làng đồi xa xôi ở Bangladesh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO