Nhà máy cồn Đại Tân được hoạt động trở lại sau 6 tháng ngừng hoạt động |
Chính quyền tỉnh Quảng Nam yêu cầu đơn vị quản lý nhà máy phối hợp với UBND huyện Đại Lộc, UBND xã Đại Tân tiến hành mở van xả nước tại hồ sinh học, khơi thông đường ống thoát nước mưa của nhà máy để thoát nước trong nhà máy, tránh để tràn ra môi trường gây mất mỹ quan; thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá môi trường đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và các quy định khác về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Đồng thời, tiếp tục rà soát các biện pháp bảo vệ môi trường (đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa sự cố) trong quá trình hoạt động của nhà máy, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian hoạt động trở lại.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo Công an huyện Đại Lộc bám sát địa bàn tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện các hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có giải pháp ngăn chặn kịp thời các phản ứng tiêu cực của nhân dân gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Như Báo Điện tử TN&MT đã phản ánh, khoảng 2 giờ sáng ngày 19/9, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhiều gia đình có con nhỏ phải chở đi chỗ khác ngủ nhờ, chứ ngửi mùi hôi này làm nhức đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu nhỏ. Đến sáng ngày 19/9, hàng chục người dân ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tập trung trước cổng Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân yêu cầu gặp lãnh đạo Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (chủ Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân) vì không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối từ khu vực nhà máy.
Khi vụ việc xảy ra, ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất cồn Đại Tân cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố là do trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel, một loại dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol ra vật đựng, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng. Hiện công tác khắc phục sự cố rò rỉ dầu fusel gây ra tình trạng ô nhiễm không khí đã cơ bản được hoàn thành.
“Ngay sau khi phát hiện sự cố, Nhà máy đã cho cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường bên ngoài. Đồng thời tiến hành ngay các biện pháp để thu hồi toàn bộ dầu tràn tại khu vực kho cồn và theo nước mưa xuống hồ sinh thái”- ông Tĩnh khẳng định.
Phía nhà máy đã gặp gỡ người dân, giải thích về tình hình sự cố rò rỉ dầu fusel cũng như cam kết khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất.
Bên cạnh đó, các ban, ngành của địa phương đã đến kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước thải, khí thải và cùng với lãnh đạo nhà máy tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến của người dân, giải thích những vấn đề liên quan đến sự cố nhằm ổn định tình hình.
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo việc hoạt động trở lại chỉ thực hiện sau khi được cấp giấy phép xả nước thải. Sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đại Lộc kiểm tra, xác nhận và đề nghị cho hoạt động trở lại, Công ty phải phối hợp với UBND xã tổ chức công bố kết quả khắc phục sự cố môi trường và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của nhà máy cho cán bộ, nhân dân biết để giám sát.