Nhà đầu tư vỡ mộng trước cơn “sốt đất ảo”

Đình Du| 23/03/2021 21:01

(TN&MT) - Khi “cơn sốt đất” hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư bất động sản mới nhận ra rằng việc “mắc cạn”… khi lỡ xuống tiền do “cò đất” thổi giá.

"Cò đất" thổi giá lên cao

Đầu tháng 3 vừa qua, giá đất tại các tỉnh lân cận TP.HCM tăng cao, một số nơi giá đất tăng gấp đôi. Điển hình, ngay sau khi thông tin lãnh đạo tỉnh Bình Phước khảo sát vị trí làm “sân bay Téc-ních” 500ha tại huyện Hớn Quản, “cò đất” liền thổi giá, cảnh mua bán, trả giá diễn ra nhộn nhịp không khác gì một cái “chợ bất động sản” diễn ra nhiều ngày liền tại khu vực xã An Khương và Tân Lợi. Chỉ trong thời gian ngắn, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm ở nơi đây tăng giá gấp đôi, còn đất thổ cư có lô tăng đến cả chục lần. Đến khi chính quyền địa phương vào cuộc cảnh báo, ngăn chặn thì tình trạng này này mới “hạ nhiệt”.

Nhà đầu tư nên cẩn trọng trước việc "sốt đất ảo"

Theo một người dân ở xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, thời điểm “sốt” đất “sân bay Téc-ních” mỗi miếng đất nông nghiệp được “cò” rao bán với giá từ 300-350 triệu đồng/1m ngang, cảnh mua bán diễn ra tấp nập, nhưng giờ đây giá xuống còn phân nửa nhưng vẫn không có khách hàng. Hiện nay có rất nhiều người đã mua đứt đất rẫy, đất vườn điều, vườn cao su… giá trị lên tới hàng tỷ đồng, nhưng vẫn không tìm được đối tác để bán lại. Ngoài ra, những nhà đầu tư đặt cọc tiền giữ đất để lướt sóng nhưng sau đó không bán lại được phải ngậm ngùi mất luôn tiền đã đặt cọc. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc “mắc cạn” trước “cơn sốt đất” nêu trên cũng chính từ miệng… “cò đất” thổi giá.

Trước vụ việc trên, UBND huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nâng cao cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số “cò” đất, dịch vụ tư vấn bất động sản có dấu hiệu lừa đảo. Việc mua đất khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt là đất lâm nghiệp và các khu đất được các đối tượng tự ý mở đường, phân lô, bán nền trái quy định cần phải được cân nhắc, tìm hiểu kỹ.

Cẩn trọng trước khi xuống tiền

Tại TP.HCM xôn xao huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ và Củ Chi lần lượt lên quận, mặc dù chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng giá nhà đất ở các địa phương này cũng rục rịch tăng giá. Một số khu vực tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn giá đất thổ cư được rao bán dao động từ 30-60 triệu đồng/m2, xã Bà Điểm có giá 35-45 triệu đồng/m2. Theo các công ty môi giới, giá đất tăng khoảng 300 ngàn đồng/m2 so với thời điểm chưa có thông tin các huyện này được đề xuất lên quận.

Giá đất được cho được là "thổi phồng" tại nhiều địa phương

Huyện Bình Chánh là địa phương có dấu hiệu tăng cao, điển hình, tại khu dân cư Vĩnh Lộc B. xã Vĩnh Lộc B nền đất có "sổ hồng" trước Tết Nguyên đán được rao bán từ khoảng 30 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay tăng giá đến 35 triệu đồng/m2. Xã Bình Hưng giá đất cũng tăng “chóng mặt”, giữa năm 2020 mỗi m2 đất chỉ khoảng 50 triệu đồng thì nay tăng lên 70 triệu đồng/m2. Riêng khu Trung Sơn giá đất tăng đến 140 triệu đồng/m2.

Chuyên gia Kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, nguy cơ hình thành “bong bóng” bất động sản hiện nay có thể xảy ra. Nhiều địa phương ở TP.HCM và các tỉnh lân cận giá đất đang có hiện tượng bị thổi phồng, nếu mất kiểm soát sẽ gây ra nhiều bất cập cho ngành bất động sản. Trường hợp TP. Thủ Đức (TP.HCM) là một ví dụ điển hình trong việc giá nhà đất tăng một thời gian rồi chững lại.

Theo ông Lê Chí Nhân, “cơn sốt” đất Hớn Quản, tỉnh Bình Phước một lần nữa cảnh báo nhà đầu tư nên cảnh giác trước khi xuống tiền. Việc “sốt” đất ở địa phương này không khác gì câu chuyện giá đất tăng ở huyện Bình Ba, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu một năm trước, hay tại Phan Thiết, Bình Thuận vào năm 2019. Hệ lụy sau đó là nhiều người nông dân mất đất canh tác, còn nhà đầu tư không kịp tháo chạy, đầu tư tiền tỷ rồi bị chôn vốn lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư vỡ mộng trước cơn “sốt đất ảo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO