(TN&MT) - Thời gian vừa qua, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) khá chìm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng làn sóng đầu tư BĐS sản vẫn đang âm thầm diễn ra tại các thị trường nhà đất vùng ven TP.HCM, cuộc “săn” đất hiện nay chủ yếu dành cho giới đầu tư chuyên nghiệp và có tiềm lực về tài chính.
Thời điểm đầu năm 2021, thị trường BĐS tại nhiều tỉnh, thành phía Nam lên cơn sốt đất nền, thế nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến thị trường hạ nhiệt. Hiện tại, các cơn sốt đất đã lặng sóng, giá đất ở nhiều nơi từng “sốt nóng” đã dần hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) cho rằng, mức giá giảm trên đã trở về với giá trị thực của đất, tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của từng vùng. Chính vì vậy, thị trường BĐS vùng ven cũng sôi nổi hơn khi làn sóng đầu tư đổ về “săn” đất.
Anh Lê Thanh Đức, nhân viên môi giới sàn BĐS tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ cuối tháng 9/2021, nhiều khách hàng quen bắt đầu nối lại liên hệ với bên sàn để tìm kiếm các dự án, khu đất tốt. Sản phẩm các NĐT hướng đến chủ yếu vẫn là đất nền. Mặc dù lượng giao dịch thành công chưa cao so với thời điểm đầu năm 2021, nhưng thị trường đã ghi nhận mức độ quan tâm tìm mua BĐS tăng lên hẳn so với tháng trước đó. “Với đà này, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều dự án mới mạnh dạn triển khai bán và cũng sẽ có nhiều NĐT quay lại với thị trường”, anh Đức cho hay.
Thị trường BĐS vùng ven TP.HCM sôi nổi hơn khi làn sóng đầu tư đổ về đây để “săn” đất (Ảnh minh hoạ) |
Theo nhận định của các chuyên gia, trái với suy nghĩ của nhiều người về việc dịch bệnh làm “đóng băng” nhu cầu mua nhà đất, khá nhiều NĐT lại có xu hướng thích “săn” đất trong thời điểm thị trường BĐS lặng sóng, vì cơ hội nhiều hơn so với đỉnh điểm thị trường “sốt” hay sôi động. Tuy nhiên, thời điểm này, chỉ có NĐT sành sỏi, có tiềm lực về tài chính mới tham gia thị trường. Số liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, nhu cầu tìm kiếm nhà đất tại các tỉnh vùng ven TP.HCM đều tăng trong các tháng giãn cách xã hội; cá biệt, nhu cầu tìm kiếm đất nền tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước tăng khá mạnh, ở mức 23% và 30% so với đầu năm 2021.
Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, hiện quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều, trong khi người mua nhà thiên về xu hướng tìm kiếm các BĐS có yếu tố chất lượng và dịch vụ ngày càng cao với giá bán hợp lý. Việc các doanh nghiệp và NĐT dịch chuyển về vùng lân cận các thành phố lớn là xu hướng tất yếu của thị trường. Xu hướng này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người mua nhà. Cùng với sự dịch chuyển của chủ đầu tư kéo giới đầu tư dịch chuyển theo, tạo nên làn sóng sôi động cho thị trường BĐS vùng ven TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Quyền - Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group cho rằng: “Thời điểm thị trường BĐS lặng sóng, giới đầu tư càng xem đây như là cơ hội để đi “săn” hàng tốt. Với nhóm khách hàng mua để ở, đây là cơ hội để mua nhà đất mà không sợ bị “thổi” giá. Riêng nhóm nhà đầu tư thì khả năng rất cao là sẽ kiếm được lời từ việc “săn” hàng cắt lỗ, thoát đáy của nhà đầu tư nhỏ lẻ mắc cạn”.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh quỹ đất, dự án khan hiếm thì giá thành cao ở khu trung tâm thành phố cũng khiến người mua nhà dịch chuyển về vùng ven để kiếm cơ hội an cư cũng như đầu tư. Giá đất ở TP.HCM cao hơn rất nhiều so với các tỉnh lân cận, đó là lý do nhiều khách hàng tìm đến vùng ven để mua. Hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng liên tục được mở rộng và hoàn thiện cũng là đòn bẩy giúp các nhà phát triển BĐS tự tin hơn khi triển khai dự án ở vùng ven thành phố, còn người mua nhà thì thay đổi dần sở hữu BĐS, chấp nhận đầu tư, mua nhà ở xa khi mà việc di chuyển không còn là rào cản.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu về nhà đất tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận hiện rất cao, tính khan hiếm của sản phẩm cộng với tính quy hoạch là cơ hội cho các NĐT có tiềm lực, trong bối cảnh dịch, nhưng họ vẫn sẵn sàng đổ tiền vào BĐS, bởi BĐS vẫn là kênh đầu tư mang tính lâu dài khi đây là dòng tài sản cố định và giá luôn tăng. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi “đổ bộ” về thị trường các tỉnh giáp ranh với TP.HCM thời điểm này, các NĐT không nên tính đến kịch bản “lướt sóng”, mà phải nắm giữ tài sản nhiều năm mới mong có lãi.