Nhà báo Nguyễn Tiến Dân: Cựu chiến binh tận hiến cho đời

20/06/2019 18:32

(TN&MT) - Ở tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn đủ sức khỏe xuôi ngược khắp nơi nhằm thực hiện tâm nguyện mà ông hằng đeo đuổi mấy mươi năm nay. Những tháng ngày bản thân nếm trải sự gian khổ, hy sinh không kể xiết của đồng đội trên chiến trường đã hun đúc cho ông phẩm chất cao đẹp của người lính khi rời quân ngũ.

H 4 (15)
Nhà báo Nguyễn Tiến Dân

Từ di ngôn của đồng đội…

Ông Nguyễn Tiến Dân (SN 1951) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, ông gia nhập quân giải phóng hoạt động tại chiến trường Khu 5, ông bị thương năm 1972 (Thương binh hạng 3/4).

Đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ, ra miền Bắc học. Năm 1983, ông trở về Đà Nẵng nhận công tác ở nhiều đơn vị: Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện Báo Đường sắt, Báo Cựu chiến binh… Năm 2012, ông nghỉ hưu, thường trú ở tổ dân phố 40, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê và làm PV thường trú Tạp chí Văn hóa & Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung và Tây Nguyên.

Lúc còn ở chiến trường khu 5, một đồng đội của ông bị thương nặng, biết không qua khỏi đã dặn ông: “Mai này khi cuộc chiến kết thúc! Ai còn sống, nếu có điều kiện hãy giúp những học sinh nghèo. Đừng để chúng không biết chữ như chúng tôi…”. Vốn dĩ, đồng đội của ông ở chiến khu không được đọc thư người thân gửi vào, bởi lẽ họ không biết chữ!. Nỗi lòng ông quặn thắt, đau đáu từ di ngôn của bạn năm xưa vẫn mãi không nguôi.

Hành trình “Thắp sáng ước mơ - Cùng bạn đến trường”

Hồi tưởng lại bước đầu khởi nghiệp thiện nguyện, ông trải lòng tâm sự: “Năm 2000, tôi mới có điều kiện bắt tay vào cuộc. “Vạn sự khởi đầu nan”, lúc đầu chưa có nguồn tài trợ, tôi tìm đến khoảng 100 nhà hàng ở Đà Nẵng trình bày mục đích nhằm vận động chủ quán bán vỏ lon bia, nước ngọt để mua sách vở cho học sinh nghèo. Họ đồng tình ủng hộ tạo nên một khoản tiền đáng kể. Tôi dùng hết tiền trợ cấp thương binh, một phần thù lao từ các hợp đồng thông tin truyền thông, tiền trợ cấp ngày lễ Tết, tiền 30 - 40 năm tuổi Đảng, tiền nhuận bút góp vào làm từ thiện. Mấy chục ngàn nhận được trong mỗi lần đi họp Đảng bộ phường, tôi đều góp vào quỹ thiện tâm này!”.

Những năm kế tiếp, bằng uy tín của mình, nhiều cá nhân, tổ chức tìm đến đồng hành với ông. Có năm số tiền ủng hộ lên đến con số 1,4 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, ông chi ra khoảng trên 500 triệu đồng để trao quà cho hàng  nghìn cho học sinh nghèo từ Hà Tĩnh trở vào Quảng Ngãi lên đến Kon Tum… Ông lần giở tập tài liệu, lấy ra bức thư bày tỏ lòng tri ân của cháu Phạm Thị Thu Thảo (cựu học sinh trường THPT Thái Phiên - TP. Đà Nẵng) là học sinh nghèo mồ côi mẹ được ông cưu mang giúp tiền ăn học từ những năm đầu cấp 3 đến khi tốt nghiệp cao đẳng. Một điều đáng ngạc nhiên là cháu Thảo chưa một lần được diện kiến ân nhân của mình, ông mỉm cười đôn hậu nói: “Thi ân bất cầu báo!”.

Song song với công tác thiện nguyện, ông còn kiêm nhiệm chức danh đại diện tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ nhằm kết nối thông tin để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Ghi nhận sự đóng góp của ông, Bộ GD&ĐT đã tặng ông Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khuyến học”. Năm 2016, Đảng ủy phường Thanh Khê Đông, Quận ủy Thanh Khê tặng ông Giấy khen trong đợt tổng kết “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen về tấm gương tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015”. Một vinh dự lớn lao vào dịp 19/5/2019, ông đã được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

H 5 (13)
Nhà báo Nguyễn Tiến Dân cùng các sinh viên Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng trong ngày Lễ Tri ân những người hiến xác 25/2/2019

Tận hiến cho đời

Xuất phát từ suy nghĩ “cái chết không phải là sự kết thúc mà nó chính là khởi đầu cho sự sống mới”, ông đã thành tâm hiến dâng thi hài cho khoa học khi trái tim ngừng đập và đã được khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng làm thủ tục tiếp nhận. Ông quan niệm: “Sống là cho đi, chết là hiến dâng cho khoa học để cứu người. Tôi biết mình chẳng thể mang theo được gì, vì vậy, tôi muốn hiến xác thân cuối cùng của mình cho ngành Y. Thôi thì còn lại xác phàm có thể giúp ích cho đời”. Bác sĩ Phạm Tiến Bình - Bộ môn Giải phẫu Khoa Y Dược (Đại học Đà Nẵng) tâm sự: “Chúng tôi thực sự xúc động trước nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn của ông”.

Mấy mươi năm qua, di ngôn của đồng đội tuy “khẩu thuyết vô bằng”. Nhưng, đối với ông đó là một dấu ấn không thể nào quên như một vết cắt hằn sâu vào tâm tưởng. Và đó cũng chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy ông đến những nơi cần đến. Sự hy sinh âm thầm lặng lẽ, không có tượng đồng, bia đá… Đó là nhà báo, cựu binh, thương binh Nguyễn Tiến Dân với tấm lòng đầy nhiệt huyết hiến cho đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Nguyễn Tiến Dân: Cựu chiến binh tận hiến cho đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO