Nhà báo Hồ Chí Minh: Đi trong nhân dân, nói tiếng nhân dân...

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú| 20/06/2021 08:24

(TN&MT) - Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trong tư tưởng, tình cảm của Người, nhân dân là chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc, là lực lượng vĩ đại có sức mạnh vô song. Vậy nên, mỗi suy nghĩ, hành động của Người đều xuất phát từ cội nguồn văn hóa nhân dân, dựa vào nhân dân, hướng về nhân dân, coi trọng ý kiến của nhân dân.

Trong các bài viết, bài nói của mình, Người thường quan niệm: Viết cho nhân dân thì phải học cách nói của quần chúng nhân dân để phục vụ dân tốt hơn. Vì “tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”. Viết để dân hiểu, dân tin, dân phục, dân làm theo! Triết học văn hóa đến nay vẫn khẳng định ngôn ngữ là một cánh cửa luôn khép chặt, nếu mở được mới có thể thấu hiểu để thấu cảm lòng người, tình người!

Bác Hồ nói và viết tiếng Việt rất giản dị, nhưng đó là cái giản dị, trong sáng sau khi đã nắm vững hầu hết những ngôn ngữ lớn trên thế giới, đã hiểu cái tinh hoa của ca dao tục ngữ, của lời ăn tiếng nói rất đẹp và tinh tế của dân tộc mình.Tiếng Việt của Bác không chỉ là ngôn ngữ, mà còn là tiếng nói đầy sức sống, đầy tình thương yêu. Đó cũng là hồn thiêng đất nước, là tư thế một quốc gia. Vì vậy, Người luôn có ý thức nói tiếng dân tộc mình và giới thiệu tiếng Việt ra thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

Do yêu cầu nghiên cứu phải đối chiếu với tư liệu gốc nên khi tìm hiểu những văn bản dịch mà Nguyễn Ái Quốc viết thời hoạt động ở Pháp, chúng tôi phải đọc nguyên bản tiếng Pháp. Một điều dễ thấy và rất đặc biệt là trong các bản tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc vẫn viết bằng chữ Việt những danh từ chỉ người Việt như “con gái”, “quan lớn”, “lính lệ”, “nhà quê”.

Trên báo Le Paria số 4, ngày 1/7/1922, trong bài báo “Thù ghét chủng tộc”, tác giả dùng hai chữ “con gái” bằng tiếng Việt. Trên báo L’Humanité ngày 17/8/1922, trong bài “Dưới sự bảo hộ”, các chữ “nhà quê”, “quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt. Trong truyện “Vi hành”, chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai chữ “nhà quê” đều viết bằng tiếng Việt trong tất cả các văn bản tiếng Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng, mà tác giả có dụng ý hẳn hoi. Hai chữ “nhà quê” mang sắc thái biểu cảm thật rõ, là tấm lòng hướng về người nông dân Việt, về quê hương Việt Nam với bao trân trọng, yêu thương, là sự xót xa vì “nhà quê” ta còn đang trong vòng nô lệ... Ngay cách dùng chữ cũng cho thấy Bác Hồ từ thời còn trẻ đã luôn đau đáu một tấm lòng vì nước vì dân.

Hình tượng nhân dân lao khổ luôn thường trực trong trái tim Bác Hồ từ thời thanh niên khi Người viết báo ở nước Pháp!

Sau này khi là Chủ tịch nước, Bác thường nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện”.

Ngày 21/7/1956, tại Lớp nghiên cứu Chính trị khóa I trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác nói: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”. Đó không chỉ là chân lý mà còn là đạo lý, nguyên lý. Là nguyên lý vì nhân dân là người làm ra của cải vật chất để ta hưởng thụ, là người sáng tạo ra văn hóa để ta trưởng thành. Là đạo lý vì phụng sự nhân dân là đúng với ứng xử văn hóa Việt “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Cuối năm 1963, nhân một đồng chí cán bộ từ Nam ra báo cáo tình hình, Bác hỏi đi bằng đường nào, đồng chí nói đi đường núi, vì đi đường đồng bằng có dân không an toàn. Bác ngạc nhiên: Làm cách mạng mà đi trong dân lại không an toàn à? Đi trong dân mới là an toàn nhất!

Đấy là cách trọng dân, gần dân, thân dân, coi dân như ruột thịt. Người dạy cán bộ phải biết trọng dân, vì dân. Với các nhà báo, Bác dạy phải có tư tưởng vững, tâm hồn trong sáng, yêu đến tận cùng sự thật và cái đẹp kết hợp với sự nhạy cảm chính trị mới có thể viết được bài báo tác động tức thời, trực tiếp đến dư luận xã hội. Về vấn đề này, nhà báo thiên tài Hồ Chí Minh có một diễn tả tuyệt vời: “Tri thức như con dao mổ, trong tay thầy thuốc thì chữa bệnh cho người, trong tay kẻ cướp thì hại người. Nên trí thức phải có chính trị”. Mà nhà báo là lớp người trí thức rất tiêu biểu, do vậy phải luôn ý thức là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, lấy cây bút và tờ giấy làm vũ khí viết lên những “bài hịch cách mạng” để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, vì mục tiêu chân thiện mỹ mà đấu tranh loại bỏ cái lỗi thời, phản động, tiêu cực.

Là học trò của Nhà báo lớn Hồ Chí Minh, bước vào thời Công nghiệp 4.0 nhiều thuận lợi nhưng cũng vô vàn thách thức, nhà báo cách mạng hôm nay cần trước hết vẫn là trau dồi tư tưởng chính trị. Bởi lẽ, từ góc nhìn lý thuyết đối thoại, nhà báo là cầu nối ý Đảng lòng dân. Họ là một tiếng nói có vị thế trong xã hội.

Từ góc độ chủ thể có thể ví nhà báo như cái cần ăng-ten thu phát những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có một sức đề kháng, một “bộ lọc” hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc những mầm mống tiêu cực.

Nhìn từ góc độ tác phẩm, một bài báo thuyết phục luôn là sự kết tinh của một tâm hồn trong sáng, trách nhiệm xã hội cao, một tình yêu nhân dân, một thái độ đúng đắn, một trí tuệ sáng suốt... Thế nên phải coi việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị là việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục. Nhiều sách mới nhất về báo chí của thế giới có lý khi coi ngôi nhà nhân cách của nhà báo thời nay phải được xây dựng trên 4 cột chống vững chãi: Tâm (tình yêu), Tín (trung thực), Tài (kỹ thuật viết), Tầm (thích ứng thời 4.0, xứng tầm với độc giả). Họ vẫn nhấn mạnh chữ “Tâm” đầu tiên, thứ nhất.   

Với tư cách người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, nhà báo thấm nhuần sâu sắc việc “nâng cao đạo đức cách mạng” để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Ở phương Tây, cuối thế kỷ trước xuất hiện quan niệm báo chí có vai trò như “quyền lực thứ tư” (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp). Nhưng khi bước vào thời khủng hoảng, người ta mới nhận thấy “quyền lực” đích thực của báo chí là độc giả. Tư tưởng Bác Hồ về báo chí đã đi trước thời đại khi Bác quan niệm đề cao người đọc là nhân dân (viết cho ai), coi trọng mục đích phục vụ dân (viết để làm gì).

Người Việt Nam rất coi trọng lời ăn tiếng nói. Lời nói cho ta ánh sáng, niềm tin, hướng đi “Lời nói gói vàng”. Nhưng cũng có “Lời nói đọi máu”. Vậy nên phải “lựa lời mà nói”, hết sức thận trọng khi cất lời. Nói đã vậy huống hồ là viết. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã bắt vào mạch nguồn dân tộc khi Bác dạy các nhà báo: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.

Nhịp sống hôm nay rất nhanh, tin tức thật giả rất nhiều. Hơn mọi nghề nghiệp khác, nhà báo phải chú ý việc bồi dưỡng học tập nghiệp vụ thường xuyên. Trong  thời 4.0, nhà báo phải có vốn hiểu biết, vốn sống sâu rộng. Phải suốt đời học hỏi, phải chăm chỉ cần cù như người nông dân bám lấy ruộng đồng, biết tính nết từng chân ruộng (lão nông tri điền), biết từng giống lúa dây khoai gieo trồng chỗ nào mới hiệu quả cao. Một lần về tát nước chống hạn ở Hà Đông, thấy một nhà báo ăn mặc chải chuốt, Bác Hồ nói: “Nhà báo của nông dân phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”. Đây là phương châm rèn luyện không của riêng người cầm bút nào.

Nhà báo Hồ Chí Minh được thế giới khẳng định là một ký giả lớn của thời đại. Thế giới cũng lý giải lý do: Đó là một tâm hồn lớn, hiến cả đời cho dân tộc mình, nhân dân mình. Vô cùng vĩ đại và cực kỳ giản dị, suốt đời gần gũi nhân dân, nói tiếng nhân dân, “đi” trong lòng dân. Nhà báo cách mạng hôm nay xin nguyện học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, để là “công bộc” của dân, vì dân mà viết!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Hồ Chí Minh: Đi trong nhân dân, nói tiếng nhân dân...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO