Trận mưa đá kèm theo gió lốc, mưa lớn xảy ra ngày 22/4/2020 đã làm nhiều diện tích hoa màu của người dân trên địa bàn huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) bị thiệt hại. |
Trước tình hình đó, đặc biệt hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, để giảm thiểu thiệt hại và ổn định đời sống cho người dân, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống thiệt hại do thiên tai gây ra, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trên địa bàn huyện.
Ông Nông Quốc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho biết, Nguyên Bình là huyện có địa hình đồi núi cao và chia cắt, khí hậu nhiệt đới gió mùa, hệ thống sông ngòi có lưu vực dốc và rộng…, đó là một trong những yếu tố khiến cho tình hình thiên tai trên địa bàn huyện diễn ra ngày càng phức tạp. Tính từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Nguyên Bình đã có 8 người chết do những đợt thiên tai gây ra; các đợt thiên tai đã gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu và cơ sở hạ tầng, với tổng trị giá hơn 125 tỷ đồng…
Nhiều nhà dân tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) bị hỏng mái nhà do mưa bão gây ra. |
Theo nhận định, mùa mưa bão năm 2020 sẽ có những diễn biến hết sức phức tạp, có thể sẽ xuất hiện các đợt mưa to gây ra lũ quét tại các dòng sông, suối hoặc gây sạt lở tại các ta luy đường giao thông... Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần ổn định xã hội, UBND huyện Nguyên Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc nhận biết các loại hình thiên tai thường diễn ra trên địa bàn huyện; hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời. Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp của huyện, phân công nhiệm vụ các thành viên; thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai như: kè chống sạt lở đất tại các ta luy đường giao thông, kè dọc bờ sông suối, gia cố mái nhà, trường học... Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức nạo vét kênh mương, nạo vét lòng sông, lòng suối để khơi thông dòng chảy đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Mặc dù công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) được các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, song do địa bàn rộng, hệ thống thông tin liên lạc còn hạn chế; địa bàn chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, vì vậy công tác cứu hộ chưa được luyện tập thường xuyên, còn ít kinh nghiệm trong ứng cứu khi xảy ra các tình huống do thiên tai gây ra. Mặt khác, do quỹ đất, công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí hỗ trợ di chuyển còn hạn chế nên công tác di chuyển dân cư ở những nơi nguy cơ về thiên tai còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương còn chủ quan, lơ là và chưa báo cáo kịp thời khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn; kinh phí sửa chữa, khắc phục hậu quả do thiên tai còn hạn hẹp, nhiều công trình hư hỏng xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời.
Trao đổi với phóng viên, ông Nông Quốc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho biết thêm, năm 2020 và những năm tiếp theo tình hình thiên tai có thể sẽ có diễn biến rất phức tạp, UBND huyện Nguyên Bình tiếp tục chủ động rà soát, củng cố lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Thường xuyên rà soát, tổng hợp những hộ dân sinh sống trong vùng có khả năng thiên tai để thực hiện hỗ trợ di dời đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống. Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai trong việc xây dựng quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng.