Nguyễn Ái Quốc và ba cuộc “Đối thoại văn hóa” vĩ đại            

PGS.TS. Đại tá nhà văn Nguyễn Thanh Tú| 05/06/2021 08:37

(TN&MT) - Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại, với chủ nghĩa thực dân; với đồng bào An Nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình

Tại Đại hội Tours năm 1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã thay mặt cho nhân dân các nước thuộc địa, lên án chế độ thực dân, lên tiếng đòi quyền tự do, quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết thiêng liêng của dân tộc, quyền được sống cho nhân dân các nước thuộc địa

Cách đây tròn 110 năm, ngày 5/6/1911, một người con ưu tú của dân tộc lấy tên Văn Ba rời cảng Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche - Tréville bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Người thanh niên ấy sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là cầu nối Việt Nam và các nước thuộc địa với thế giới. Nhân cách của Người mãi tỏa sáng vào bầu trời văn hóa nhân loại.

Bến cảng Nhà Rồng năm 1911

Dưới góc nhìn “liên văn hóa” (intercultural) hiện đại cho thấy ở Nguyễn Ái Quốc là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: Văn hóa yêu nước Việt Nam; Văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ; Văn hóa giải phóng con người.

Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại: Với chủ nghĩa thực dân; với đồng bào An Nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình.

Mục đích các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, trong sáng, vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác, trước hết là để giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi kẻ xâm lược thống trị phải trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí/ đồng bào) cùng nhận chân kẻ thù chung để cùng nhau giải phóng.

 Cả ba cuộc đối thoại này có đặc điểm chung là chinh phục, thuyết phục người đối thoại bằng sự hiểu biết cực kỳ phong phú, bằng tư tưởng đạo lý, chính nghĩa, bằng tình yêu thương con ngườivà bằng cách lập luận không thể bác bỏ.

Hôm nay thế giới coi đối thoại văn hóa là một quá trình giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ, tiếng nói, rộng hơn là bằng cả nhân cách văn hóa (những hành vi ứng xử, thái độ, quan niệm...), trên cơ sở hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe nhau nhằm mục đích thuyết phục, thu phục để cùng thống nhất về những vấn đề cùng quan tâm... Hiểu giản dị nhất thì đối thoại văn hóa là làm cho người ta hiểu mình, nghe mình, tin mình, làm theo mình. Bác là trong số rất ít những vĩ nhân trên thế giới kiến tạo thành công những đối thoại văn hóa như vậy.

Những năm đầu thế kỷ XX, thay mặt những người An Nam và các thuộc địa bị áp bức lên tiếng đối thoại với chủ nghĩa thực dân để đòi quyền sống, quyền tự quyết; kêu gọi cả nhân loại khổ đau thức tỉnh; kêu gọi cả Quốc tế thứ Ba hành động vì các dân tộc thuộc địa. Chỉ có một người đủ tầm văn hóa để đối thoại văn hóa như vậy. Đó là Nguyễn Ái Quốc!

Có thể ví cấu trúc nhân cách Hồ Chí Minh như một lâu đài bề thế, lộng lẫy, có nền móng vững chãi là tình yêu thương, có khung kết cấu là trí tuệ. Được trổ nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón mọi luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa nên lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại. Đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để Người trở thành con người của đối thoại văn hóa.

Không ngẫu nhiên ngay sau ngày Nước Việt Nam mới ra đời, Bác kiêm nhiệm và hoàn thành cực kỳ tốt đẹp vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Từ đó Người trở thành hiện thân - cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa. Thế giới hôm nay khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”.

"Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" - Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời ở Pháp, làm theo đúng chỉ dẫn của Mác, Người lấy tiếng nói làm vũ khí. Nhìn từ hình thức thể loại báo chí cũng thấy hầu hết các bài viết của Nguyễn Ái Quốc đều mang tính chất đối thoại, viết để đối thoại với một đối tượng cụ thể. Trong 450 bài viết ở các năm từ 1919 đến 12/1940, có:

Thư: 210/450, chiếm 46,6%

Báo cáo, Lời phát biểu: 108/450, chiếm 24%

Lời kêu gọi, Lời kiến nghị, Trả lời phỏng vấn: 86/450, chiếm 16,9%

Còn lại là các dạng bài tuy hình thức có thể là ghi chép, bài báo, truyện ngắn nhưng tính đối thoại vẫn nổi lên rất rõ. Xét ở nghĩa phổ quát thì văn chương hay báo chí đều mang tinh thần đối thoại nhưng với Nguyễn Ái Quốc thì sự đối thoại khẩn thiết hơn, cấp bách hơn, do vậy cũng cụ thể hơn. Ví dụ, với thực dân Pháp, có khi dùng hình thức Thư ngỏ, như:

Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, báo L’Humanité ngày 25/7/1922.

Thư ngỏ gửi ông Lêông Acsimbô, báo Le Paria số 10 ngày 19/1/1923.

Có trường hợp không nói rõ Thư ngỏ nhưng thực ra cũng là “thư ngỏ” vì được đăng báo, có người nhận (đối thoại) rõ ràng, cụ thể, như Thư gửi ông Utơrây, in trên báo Le Populaire ngày 14/10/1919.

Nhiều nội dung văn bản cho thấy rõ chủ ý của tác giả mượn hình thức Thư để “đối thoại” với đông đảo bạn đọc. Có khi mục đích chính là “đối thoại” với độc giả hơn là với chính người gửi, như trường hợp Thư gửi Khải Định, có lời đề từ trang trọng Kính gửi Hoàng Thượng Khải Định An Nam Hoàng đế, trong khi đó Khải Định không biết tiếng Pháp nhưng “thư” gửi cho ông ta lại in trên báo Pháp Le Journal du Peuple ngày 9/8/1922. Hình thức đối thoại rất đa dạng, một bài báo không chỉ dành cho một ai đó đọc mà nhiều người đọc, nhiều thành phần đọc. Điều này được tác giả nói rõ trong một bài báo rất quan trọng có tên Tâm địa thực dân: “chúng tôi nói với nhân dân Pháp, cũng là nói cả với ông Đơvila”.

Tiếng nói đối thoại sớm nhất mang tính yêu cầu được đăng tải trên báo chí Pháp của Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí là Yêu sách của nhân dân An Nam được gửi đến Hội nghị Véc-xây năm 1919. Bản Yêu sách này cực kỳ quan trọng, nó nâng vị thế của “nhân dân An Nam” từ thân phận nô lệ lên địa vị ngang hàng với “mẫu quốc”.

Đồng thời với việc gửi tới Chính phủ Pháp, ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách này tới Tổng thống Mỹ (có kèm Thư gửi Tổng thống Mỹ). Đó chính là một biểu hiện công khai, thẳng thắn, quyết liệt nhưng cũng cực kỳ dân chủ. Như vậy, ngay từ những ngày đầu tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã thực sự đối thoại với cả thế giới chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Tự thân việc này đã nâng tầm Nguyễn Ái Quốc ngang hàng với chủ nghĩa đế quốc, thực dân để đối thoại một cách bình đẳng.

Bản chất của đối thoại văn hóa là khẳng định giá trị văn hóa của con người. Với ý nghĩa này, cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ là một cuộc đối thoại văn hóa vĩ đại. Thấu hiểu sâu sắc tình cảnh con người mất nước, thấu cảm tận độ khát vọng tự do của con người nô lệ, với những nỗ lực phi thường, bằng tâm hồn yêu nước lớn lao, bằng trí tuệ kiệt xuất Người hy sinh hết thảy cuộc đời riêng để đi tìm rồi trở thành hiện thân khát vọng hòa bình của dân tộc và nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Ái Quốc và ba cuộc “Đối thoại văn hóa” vĩ đại            
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO