Thách thức và nguy cơ về khủng hoảng giao thông tại các đô thị của Việt Nam cũng như tại các nước đang pháp triển phải đối mặt đó là: Thiếu kinh nghiệm của chính quyền đô thị, đặc biệt là việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược phát triển trong bối cảnh nguồn tài chính eo hẹp, tốc độ đô thị hóa nhanh, bùng nổ về dân số và phương tiện giao thông đô thị. Các kế hoạch luôn bị phá vỡ, giải pháp đưa ra thường là các giải pháp khắc phục.
Nguy cơ về khủng hoảng giao thông tại các đô thị của Việt Nam ngày càng rõ. |
Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), đặc điểm nổi bật của nhu cầu đi lại của người dân đô thị là tần suất cao, cự ly trung bình và ngắn. Dân số đô thị càng lớn, nhu cầu đi lại tăng lên cả về số lượng chuyến đi và cự ly bình quân. Với thành phố quy mô nhỏ 50 - 100 ngàn dân, tần suất đi lại chỉ ở mức 200 - 250 chuyến/người/năm. Đối với các thành phố lớn trên 3 triệu dân, tần suất đi lại đã tăng lên 600 - 800 chuyến/người/năm, gấp 3 lần so với đô thị nhỏ. Lưu lượng giao thông rất cao nhưng lại tập trung vào các khu trung tâm và xuất hiện vào giờ cao điểm gây căng thẳng và có thể dẫn đến ùn tắc nếu hệ thống giao thông đô thị không thỏa mãn được.
Vì vậy, hầu hết các thành phố lớn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề bất cập và bức xúc như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị... Chỉ tính riêng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ở các đô thị lớn đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi ngày, chưa kể những ngoại ứng tiêu cực khác.
Trong đóng góp gần đây nhất về một hình mẫu giao thông đô thị bền vững mới, các chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng chỉ ra rằng, “hầu hết các thành phố ở châu Á đang ngày càng trở nên tắc nghẽn, hỗn loạn hơn và điều kiện sống bị giảm sút trong những năm gần đây”. Những nghiên cứu cho thấy, xu hướng này tiếp tục gia tăng với sự “phình” ra của các đô thị. Khẳng định này có thể được kiểm chứng tại Hà Nội khi quỹ đất dành cho giao thông đường bộ đang ở mức rất thấp. Khu vực 4 quận nội đô lịch sử có 3,937 km2 đường (chiếm khoảng 11,38% diện tích đất đô thị).
Trong khi đó, trung bình giai đoạn 2013 - 2018, ô tô các loại tăng 10,2 %/năm (ô tô con tăng cao nhất 17,7%/năm). Sự gia tăng đáng kể lượng phương tiện tham gia giao thông này đã dẫn tới hai hậu quả nghiêm trọng là: Diện tích lòng đường mà những phương tiện này chiếm dụng tăng và gia tăng đáng kể lượng nhiên liệu tiêu thụ, và điều này tác động trực tiếp tới chất lượng không khí trong thành phố.
Gia tăng phương tiện cá nhân khiến các thành phố ở châu Á ngày càng trở nên tắc nghẽn, hỗn loạn |
Với những gì đang diễn ra, có thể thấy, nguy cơ giao thông bị tê liệt vì nạn tắc nghẽn với hai đô thị lớn của Việt Nam là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rất lớn. Với TP. Hà Nội, sự thất bại trong quy hoạch đường vành đai 2, vành đai 3 đang thể hiện rất rõ. Và hậu quả khôn lường về ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí đang hiển hiện.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo, những khái niệm về phát triển bền vững đang có thể bị phá vỡ và trở thành những mục tiêu khác nhau, bởi những lợi ích khác nhau. Yêu cầu cần có những giải pháp mạnh và thành lập một hệ thống quản lý và tổ chức trong sạch đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Nhưng đáng tiếc, đây lại là những yêu cầu mà các thành phố ở Việt Nam chưa thể đáp ứng.