Nguồn cung thiếu đẩy giá nhà tăng mạnh
Hai năm gần đây, thị trường bất động sản phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng. Nguyên nhân chính là do quỹ đất phát triển nhà ở tại các đô thị lớn hạn chế, chi phí tài chính về đất tăng cao, thời gian cấp phép dự án kéo dài. Đặc biệt, các cuộc thanh, kiểm tra pháp lý các dự án đã được cấp phép kéo dài khiến cho nguồn cung mới bị siết chặt. Đây cũng chính là yếu tố đẩy giá nhà đất tại nhiều tỉnh thành tăng cục bộ.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, số lượng dự án bất động sản được cấp mới đã giảm mạnh. Năm 2019, TP. Hà Nội có 61 dự án, TP.HCM có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà, giảm khoảng 80 % so với các năm trước đó. Năm 2020, TP. Hà Nội có 19 dự án, TP.HCM có 22 dự án được cấp.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, việc tiếp cận đất đai hiện nay rất khó khăn khiến số lượng dự án bất động sản được cấp mới giảm 80%. Vì vậy, giá đất nền tại một số địa phương đã tăng cao, thậm chí xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn giao dịch, mua bán.
Các dự án bất động sản sẽ được đầu tư đồng bộ và tạo ra nguồn cung lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Hoàng Minh |
Ông Nguyễn Hoài Giang, Giám đốc Công ty CP Bất động sản HNLand cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đều có chung một mong muốn chính quyền các tỉnh, địa phương có bước chuyển lớn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đô thị mới. Điều này sẽ giúp tạo ra các sản phẩm nhà ở tốt cho thị trường.
“Các dự án bất động sản hiện nay vướng mắc hàng đầu là về pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Hệ quả là rất nhiều dự án bất động sản bị “đóng băng”, không thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho doanh nghiệp về chi phí vốn, lãi vay ngân hàng, mất cơ hội kinh doanh, thậm chí, doanh nghiệp còn đối mặt nguy cơ phá sản... Do đó, số lượng dự án đưa ra thị trường bị sụt giảm, giá nhà đất tăng lên, người mua nhà càng ít có sự lựa chọn sản phẩm phù hợp” - ông Giang chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, qua theo dõi diễn biến thị trường, Bộ Xây dựng thấy nổi lên nhiều vấn đề xuất phát từ việc nguồn cung bị thiếu hụt. Đó là những giao dịch không đủ điều kiện pháp lý, nhiều giao dịch được thực hiện ở đất rừng, nông nghiệp… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Đây là những giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu giải pháp để đề xuất với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Nhiều dự án mới sẽ ra đời
Tại cuộc họp báo mới đây, trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hoạt động kinh doanh bất động sản có vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng GDP hàng năm. Chính vì vậy, Chính phủ và các Bộ ngành rất quan tâm, có những cơ chế tháo gỡ cho thị trường thông qua việc ban hành một loạt các cơ chế chính sách mới.
Trong đó có Luật Đầu tư sửa đổi và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Song song với đó, Chính phủ ban hành một loạt Nghị định tác động trực tiếp đến thị trường. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi một số Nghị định để trình Chính phủ ký ban hành vào quý III - quý IV/2021. Những Nghị định này sẽ có quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản.
“Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Xây dựng, cùng chỉ đạo từ các tỉnh thành, các dự án bất động sản sẽ được đầu tư đồng bộ và tạo ra nguồn cung lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tạo nên thị trường bất động sản lành mạnh. Bộ Xây dựng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở khi kinh doanh phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng, đảm bảo tính pháp lý và kinh doanh đúng pháp luật” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Công ty bất động sản JLL, nguồn cung mới trong năm 2021 tại Hà Nội chủ yếu đến từ các khu vực ngoài trung tâm. Dự báo, nguồn cung tại Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện cho đến cuối năm 2021, dao động khoảng 20.000 - 25.000 căn, chủ yếu đến từ phân khúc giá rẻ. Nguồn cầu mua nhà để ở dự kiến tiếp tục giữ mức ổn định. Thị trường căn hộ cho thuê ở các dự án cao cấp kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các đường bay quốc tế nối lại.
Trong tương lai, khu vực phía Bắc và phía Đông TP. Hà Nội dự kiến sẽ là tâm điểm thị trường nhờ quy hoạch Đô thị sông Hồng mới được công bố gần đây. Theo đó, giá bán căn hộ được dự báo tăng nhưng có xu hướng chậm lại; các dự án đang gần hoàn thiện sẽ tiếp tục đưa ra chính sách ưu đãi nhằm thu hút các khách hàng có tâm lý thận trọng nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho còn lại.
Ngoài ra, Hà Nội cũng được dự báo sẽ tiếp tục là nguồn cung chính cho khu vực phía Bắc với tổng nguồn cung nhà liền thổ trong các tháng còn lại của năm 2021 đạt khoảng 3.000 căn.