Người “tiếp lửa” giữ rừng lim trăm tuổi
(TN&MT) - Vào một buổi sáng cuối thu, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi len lỏi trong cánh rừng của gia đình anh Triệu Tiến Lộc khi những giọt sương còn đọng trên cây trà hoa vàng, sương giăng mờ trên những tán cây lim xanh hàng chục năm tuổi. Bên gốc lim cổ thụ, chúng tôi được nghe những lời tâm sự mộc mạc của anh Lộc về hành trình trồng và giữ rừng lim của gia đình.
Gian nan giữ rừng lim
Anh Triệu Tiến Lộc- người con của đồng bào dân tộc Dao kể về tâm nguyện của cha anh là già làng uy tín của thôn Bằng Anh khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Trước khi rời cõi tạm, cha anh mong muốn cánh rừng lim sẽ được giao cho anh Lộc để giữ gìn, bảo vệ cho con cháu mai sau.
Ngôi nhà mái ngói cũ kỹ của anh Triệu Tiến Lộc, nằm ven đồi tại thôn Bằng Anh, xã Tân Dân - xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc, giáp với tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm TP.Hạ Long (Quảng Ninh) gần 40km, nơi có đến 96% là người dân tộc Dao sinh sống. Anh Lộc được thừa hưởng ngôi nhà và gần 10ha rừng từ người cha- ông Triệu Tài Cao.
Anh Lộc chia sẻ thêm, lúc anh còn nhỏ thường được nghe cha kể rằng, vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, rừng ở huyện Hoành Bồ (nay sáp nhập vào TP.Hạ Long), ở các xã vùng cao như Tân Dân nổi tiếng với những loại gỗ quý, nhất là gỗ lim xanh. Song cũng vì thế mà người ta đua nhau vào những cánh rừng đầu nguồn khai thác đem bán.
Câu chuyện người “tiếp lửa” từ người cha để giữ trọn tâm nguyện giữ rừng của anh Lộc khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại, cách đây hơn 10 năm về trước chúng tôi đã có dịp gặp và nói chuyện với già Triệu Tài Cao về chặng đường gian nan trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng lim và hàng chục cây dó bầu.
Chứng kiến cảnh nhiều người vào chặt phá rừng lim trong những cánh rừng đại ngàn, già Cao không khỏi đau xót, nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không có cách nào cản được. Không bỏ cuộc, già Cao đã nảy ra ý tưởng đó là vào rừng tìm những cây lim, sến, táu, dẻ về trồng trên những quả đồi cạnh nhà. Trong khi nhiều người trong thôn chê cười vì cho rằng cây lim cao cỡ gang tay thì trồng đến bao giờ được thu hoạch. Nhưng bỏ ngoài tai những lời gièm pha, hằng ngày già Cao vẫn cặm cụi vào rừng, cần mẫn tỉa những cây lim con mang trồng trên những quả đồi của gia đình.
Đất mẹ đã không phụ lòng người, như con kiến tha mồi, sau nhiều năm, rừng lim đã phủ xanh cả đồi như để bù lại công sức mà già Cao và các con bỏ ra. Những cây lim hàng chục năm tuổi vươn lên mạnh mẽ trong cái nắng, cái gió của vùng đất cằn khô.
Lúc này, nhiều người trong thôn mới hiểu ra giá trị của những cánh rừng lim, dó bầu vừa phủ xanh đồi núi vừa cho giá trị kinh tế rất cao.
Khi cây đến kỳ thu hoạch, bỏ ngoài tai những lời gạ gẫm của những tay lái gỗ muốn mua những cây lim hàng chục năm tuổi với giá cao, với tâm nguyện bảo vệ rừng cho con cháu, già Cao nhất quyết không bán.
“Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của cuộc đời mỗi người, già làng Triệu Tài Cao về với đất mẹ sau cơn bạo bệnh vào giữa năm 2022. Trước khi mất, ông đã kịp chia rừng cho 5 người con trai với lời dặn dò “Hãy giữ và bảo vệ rừng, nhất quyết không được bán cây lim nào”.
Giữ trọn tâm nguyện với rừng lim
Trải qua mấy chục năm, rừng lim giờ cao vài chục mét, những cây lim mẹ đã cho quả, hạt rơi xuống đất, cây non đâm chồi mọc lên. Cứ thế, giờ đây rừng lim nhà anh Lộc đã có đến khoảng 500 cây to và hàng trăm cây nhỏ, có những gốc cây to cả người lớn ôm không hết.
Rừng ng lim tỏa bóng phủ xanh khắp những quả đồi, tạo không khí trong lành, mát mẻ và là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, động vật. Rừng lim ngày càng lớn và có giá trị càng cao, nhiều người tìm đến hỏi mua, nhưng anh Lộc đều từ chối.
Rừng lim, dó bầu có giá trị kinh tế rất cao, nhưng không bán vậy “Để cả nhà có thu nhập duy trì cuộc sống bằng cách nào?” khi tôi hỏi, anh Lộc mỉm cười bộc bạch: “Để bán gỗ làm giàu thì đơn giản, nhưng gia đình không chọn cách đó, bởi giữ rừng lim là tâm nguyện hàng chục năm qua của cha để lại, hiện tôi vẫn tạo trầm hương từ cây dó bầu, bán cây giống, cây dược liệu cho thu nhập khoảng 200 triệu mỗi năm, cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Vậy là tâm huyết về việc giữ rừng, trồng rừng vẫn được tiếp nối từ già làng Triệu Tài Cao đến các người con. Ngoài việc đánh cây lim con tới khu vực đất trống để trồng, anh Lộc còn học từ cha cách ươm quả lim để lấy giống, cũng như trồng xen kẽ dưới những tán cây to với nhiều cây dược liệu quý của địa phương là ba kích, khôi tía, trà hoa vàng cho giá trị kinh tế cao.
Câu chuyện của tôi với anh Lộc bị ngắt quãng, khi anh Lộc nhận được điện thoại của Chủ tịch xã Tân Dân- Hồ Ngọc Thủy thông báo chuẩn bị có đoàn với nhiều thành viên ở các tỉnh đến tham quan rừng lim của gia đình.
Sau khi tham quan rừng lim của gia đình anh Lộc, anh Nguyễn Anh Tuấn đến từ một doanh nghiệp chuyên trồng, xuất khẩu quả chanh tươi ở tỉnh Long An không khỏi tấm tắc khen: Bước chân vào rừng, cảm nhận đầu tiên là không khí mát mẻ, những gốc lim to cả vòng tay người lớn ôm không hết gây ấn tượng mạnh cho bản thân cũng như các thành viên trong đoàn. Theo tôi, việc bảo tồn rừng lim, cây dược liệu là những nguồn gen quý, nếu được khai thác theo hướng du lịch sinh thái, trải nghiệm sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.
Tiếp nối câu chuyện của anh Tuấn, Chủ tịch xã Tân Dân- Hồ Ngọc Thủy đi cùng đoàn tham quan cho biết: Chính quyền địa phương và thành phố khuyến khích gia đình anh Lộc vừa kết hợp giữ gìn rừng lim vừa xây dựng thành điểm du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang dã, cũng như giúp gia đình có thêm thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương.
Mặt trời đứng bóng, những tia nắng cuối thu xiên qua tán lá những cây dó bầu, bên con ngõ nhỏ. Trước khi chia tay, câu chuyện bị cắt ngang lúc trước được Lộc chia sẻ tiếp: Em vẫn luôn trăn trở giữa việc giữ rừng lim theo tâm nguyện và cần một nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo cảnh quan cánh rừng lim, khuôn viên nhà, vườn, ao để trở thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn thu hút du khách mỗi khi đến với Hạ Long thì sẽ nhớ đến điểm du lịch xanh của gia đình tại thôn Bằng Anh, xã Tân Dân.
Rời thôn Bằng Anh, nắng cuối thu như nhuộm vàng trên những cánh rừng xanh ngút tầm mắt trải dài từ xã Tân Dân đến Bằng Cả, Quảng La, chúng tôi mong rằng ước nguyện của anh Lộc sớm thành hiện thực. Hy vọng, một ngày không xa rừng lim sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa đến khám phá, trải nghiệm cảnh quan tươi đẹp nơi đây.