(TN&MT) - “Trên bộ hoàng bào Vua Khải Định mặc trong dịp đại lễ Tứ tuần Đại khánh - mừng sinh nhật 40 tuổi - vào năm 1924, ông cụ thân sinh tôi được triều đình giao thêu kim tuyến lên áo. Đó chính là tuyệt kỹ trong nghề mà tôi đã được trao truyền, có lẽ không mấy ai còn biết!”- ông Lê Văn Kinh giới thiệu về nghề thêu cung đình của gia đình mình như vậy.
Đường chỉ tuyệt kỹ
Trong những dịp lễ hội ở Huế, người xem được chiêm ngưỡng những bộ trang phục Hoàng gia nhà Nguyễn. Có những bộ trang phục được phục chế, người phải kể đến đầu tiên là cụ Lê Văn Kinh- người đã có công khôi phục lại nghề thêu tay truyền thống của xứ Huế, cụ được phong là nghệ nhân dân gian và UNESCO xem là “báu vật nhân văn sống”, là thợ thêu hàng đầu Việt Nam với hơn 70 năm hết tâm hết ý với nghề thêu.
Cùng với bí quyết tuyệt kỹ của công việc thêu lên áo vua, ông Kinh còn được người cha truyền lại cách thêu các bức tranh xưa sao cho đúng lối, thêu những tấm khăn, bức màn... chuyên dùng theo cung cách của triều đình xưa. “Một thợ thêu xưa đâu chỉ có cầm kim, làm chỉ mà phải biết vẽ như họa sĩ, biết may, chưa kể phải làm công việc của một thợ mã dán từng mảng màu lên nền cho chính xác đến từng nét chỉ để thêu chồng theo đó”- ông Kinh tỏ bày.
Ông Kinh còn tạo ra cho mình một cách thêu riêng mà từ trước đến nay chưa từng ai biết đến. Đó là thêu tranh bằng một loại chỉ kim tuyến, tạo ra được một bức tranh với cách thể hiện đa chiều, có độ tương phản đậm nhạt của ánh sáng. Ông lấy ra một bức tranh phong cảnh Huế, trên đó chỉ với một sợi chỉ kim tuyến vàng trên nền gấm đen, được ông biến hóa như “phù thủy” làm cầu Trường Tiền, dòng sông Hương, con đò Huế, vầng trăng và Kỳ Đài, kinh thành cổ kính được thể hiện một cách rất sinh động bởi những thay đổi từng gam sắc.
Ông nội của ông Kinh là người thợ thêu Lê Chí Thành, quê ở Quốc Động (Thường Tín, Hà Tây), được triều Nguyễn triệu về kinh đô Phú Xuân trong một cuộc trưng tập thợ giỏi nhiều ngành nghề khắp đất nước. Cụ được giao thêu các trang phục của hoàng triều và các vật dụng trang trí nội thất cung điện đình tạ. Cụ đã lập nên hiệu thêu Đức Thành trên đường Phan Đăng Lưu, TP. Huế. Lùi về quá khứ để biết được từ khi cụ Lê Chí Thành qua đời, người con trai Lê Văn Hỡi đã kịp được chân truyền nối tiếp nghề cha. Nhờ vào bàn tay tài hoa và cần mẫn, cụ Hỡi tiếp tục được triều đình trọng dụng và giao phó thêu nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có bức chân dung vua Thành Thái, hoàng bào vua Khải Định, các tranh thêu dùng trong những gian chính điện hoàng cung hoặc phủ trên những vật báu gia bảo hoàng triều.
Cũng từ hiệu thêu Đức Thành của cụ Hỡi, hàng trăm người thợ lành nghề được “ra lò” tỏa đi làm nghề trên nhiều miền đất nước. Nhưng người thợ tài năng nhất trong đó chính là con trai đầu Lê Văn Kinh. “Sống trong gia đình nghề, mọi việc đến tự nhiên cứ như là hơi thở vậy”- ông Kinh tâm sự.
Văn hóa trên nền gấm
Một thời gian dài trước năm 1975, ông Kinh cùng cô em gái Bích Đào rất nổi tiếng với hàng tranh thêu truyền thống thông qua hàng loạt cuộc triển lãm ở Sài Gòn, Đà Lạt và Đà Nẵng. Ông càng gây tiếng vang khi tác phẩm tranh thêu “Bất Khuất” thể hiện tướng quân Trần Bình Trọng mặc chiến bào cầm kiếm cưỡi trên sư tử xông trận với ngụ ý “Việt Nam bất khuất” được tham gia triển lãm tại New York vào năm 1958.
Từ sau năm 1975, ông Kinh mở xưởng hàng xuất khẩu Cẩm Tú và đứng ra thành lập hợp tác xã thêu xuất khẩu Phú Hòa, ăn nên làm ra với các mặt hàng thêu xuất sang các nước Liên Xô, Đông Âu, Nhật Bản… Vừa sản xuất, ông vừa mở các lớp đào tạo nghề: “Tôi đi khắp nơi bằng chiếc xe máy và phiếu mua xăng do tỉnh cấp, vừa mở lớp vừa đào tạo phụ giáo, giao việc hướng dẫn cho phụ giáo, rồi chuyển qua vùng khác mở lớp tiếp, có khi ba tháng chưa về nhà. Học trò ở khu vực Bình Trị Thiên tính ra cũng hàng vạn” ông Kinh tâm sự. Nghỉ hưu vào năm 1994, ông Kinh trở về với hàng thêu Đức Thành để phục hồi nghề của cha ông, vừa tìm học trò tiếp tục đào tạo.
Đặc biệt, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã sáng tạo 18 bức tranh thêu bài thơ “Cáo Tật Thị Chúng” của Mãn Giác Thiền Sư (thời Lý) bằng 18 thứ tiếng khác nhau như, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hán, Bungari... Điều đáng ngạc nhiên là trong những bài thơ được dịch sang các thứ tiếng khác nhau ấy là những người bạn của ông dịch và đặt hàng, đó là Tùy viên văn hóa của Liên Hợp Quốc, là những nghị sĩ Quốc hội... Với thành quả này, cuối năm 2011, ông đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietking) trao chứng nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011 cho bộ tranh thêu độc nhất vô nhị này.
Và đặc biệt, người ta nhớ và đáng kính ở nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh không chỉ là những đường thêu điêu luyện mà chính ông đã đưa văn hóa Việt lên nền gấm. Những bức tranh chữ diễn giải thơ trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du cũng được ông “trình diễn” một cách sinh động. Ông gửi gắm: “Tuổi già rồi nhưng tôi vẫn luôn mong muốn tìm cách làm nhiều điều mới góp phần phong phú thêm cho nghề truyền thống, vừa muốn tiếp tục truyền nghề để nghề cha ông mãi mãi trường tồn nơi hậu thế!”.