Xã hội

Người nông dân trăn trở với mảnh đất quê hương

Lê Hùng 02/10/2023 - 17:18

(TN&MT)- Đến ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ hỏi thăm ông Huỳnh Thanh Lâm hầu như ai cũng biết. Ông không chỉ là người nông dân sản xuất giỏi, hay giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn là người dám chia sẻ những “bí quyết” về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng Sầu Riêng đạt năng suất, chất lượng cho nhiều nông dân khác để cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.

a1-ong-lam.jpg
Cầy Sầu Riêng đã mang lại cho gia đình ông Huỳnh Thanh Lâm nhiều niềm vui trong cuộc sống

Vào cuối năm 2022, ông Huỳnh Thanh Lâm đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thành quả này là kết quả của sự cần cù, nỗ lực vượt khó, tìm tòi, phấn đấu của ông Lâm trong suốt 24 năm đã qua.

Trước đây với suy nghĩ nếu mất mùa cây này thì có cây khác bù vào, ông Lâm đã trồng nhiều loại cây ăn trái trên 14 công đất của gia đình. Tuy nhiên, vì thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng, xen nhiều loại cây trong một vườn và luôn gặp tình trạng “được mùa rớt giá”, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, từ đó cuộc sống gia đình ông luôn gặp khó khăn, cái nghèo đeo bám.

Là lao động chính trong gia đình, ông Lâm nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm giải pháp thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình. Tình cờ trong một lần đến tỉnh Tiền Giang, nhận thấy mô hình trồng Sầu Riêng và nhu cầu của thị trường về loại trái cây này đang tăng cao và có giá trị; cây Sầu Riêng lại rất thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Phong Điền, nên ông Lâm quyết định đốn bốn công đất trồng xoài, nhãn đang cho trái chuyển qua trồng Sầu Riêng Ri 6.

Để hiểu sâu hơn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi trái Sầu Riêng, ông Lâm đã tranh thủ thời gian tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do cơ quan, đơn vị xã, huyện tổ chức; đồng thời cất công đến “nằm vùng” học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn chuyên trồng Sầu Riêng ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắc Lắc…rồi về áp dụng cho vườn Sầu Riêng của mình.

Không bõ công chăm sóc hơn năm năm trời, bốn công đất trồng Sầu Riêng của ông đã cho thu hoạch với sản lượng 4 tấn và từ năm thứ 7 trở đi, sản lượng tăng lên khoảng 9 tấn. Với giá bán trung bình khoảng 55.000 đồng/kg, sau khi trừ đi tất cả các chi phí đầu tư sản xuất, ông Lâm còn lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Từ lợi nhuận có được, ông Lâm đã đầu tư lên liếp trồng Sầu Giêng 10 công đất còn lại của gia đình. Ông Lâm chia sẻ “Hiện nay, 14 công đất trồng Sầu Riêng của gia đình tôi mỗi năm cho thu hoạch từ 20 đến 27 tấn/ha, sau khi trừ chi phí tôi cũng còn lời trên 01 tỷ đồng. Sau 24 năm, cây Sầu Riêng đã mang lại niềm vui chung cho gia đình tôi, từ xây được một căn nhà khang trang, đến việc tậu thêm 26 công đất và có của ăn, của để, lo cho con cái ăn học đàng hoàng".

a2-ong-lam.jpg
Ông Huỳnh Thanh Lâm đang chia sẻ kỹ, thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây Sầu Riêng với cán bộ Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Lâm với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu Riêng ấp Tân Thành còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo đất, trồng và để trái Sầu Riêng cho người dân trong ấp cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu bền vững. Ông Hồ Văn Điền, thành viên Tổ hợp tác Sầu Riêng ấp Tân Thành cho biết: “Những chia sẻ, hỗ trợ của ông Lâm trong thời gian qua đã giúp cho vườn Sầu Riêng của gia đình tôi luôn phát triển xanh tốt; chất lượng, cân nặng của mỗi trái luôn đảm bảo theo yêu cầu của thị trường, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Với sự cố gắng của ông Lâm cũng như các thành viên Tổ hợp tác Sầu Riêng Tân Thành, hơn 12 ha Sầu Riêng của Tổ hợp tác đã được Trung tâm kiểm định chất lượng vùng 6 cấp giấy chứng nhận VietGap, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất cũng như bán sản phẩm ra thị trường. Không dừng lại ở đó, ông Lâm đang là một trong những người tiên phong đưa trái sầu riêng của Phong Điền vươn ra xa. “Ngày xưa, Mai An Tiêm đưa dưa hấu từ đảo vào đất liền, còn nay ông Lâm đưa trái Sầu Riêng từ Phong Điền ra đảo Phú Quốc để giới thiệu, quảng bá với khách hàng trong nước và quốc tế” - Ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền phấn khởi cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Thanh Hiếu, tại địa phương, bản thân ông Lâm và gia đình luôn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động; tích cực vận động hội viên trong Tổ hợp tác và bà con xung quanh tham gia với chính quyền ấp vận động người dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc làm lộ giao thông nông thôn; vệ sinh môi trường cảnh quan đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; chăm lo cho các hộ gia đình khó khăn. Đơn cử, từ năm 2020 đến nay, ông Lâm đã hỗ trợ các cấp chính quyền trong việc vận động nhân dân làm được 5,4km lộ nông thôn với bề rộng 2m; giúp đỡ 18 gia đình trong ấp thoát nghèo; tặng hàng trăm phần quà cho các hộ gia đình khó khăn,…

Ông Lâm chia sẻ, những năm trước kia, do kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên bản thân và gia đình chưa thể góp công sức để cùng địa phương thực hiện các vấn đề an sinh xã hội. Từ khi nhờ vào sự cố gắng của gia đình và sự giúp đỡ của các cấp, ngành, bản thân tìm được lối đi là xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước mang lại đời sống ấm no cho gia đình và có điều kiện giúp đỡ những gia đình khó khăn, góp một phần nhỏ công sức cùng địa phương phát triển ngày càng giàu mạnh.

Nhìn vẻ bề ngoài trắng trẻo, phong độ và nhàn nhã của ông Lâm chẳng ai nghĩ rằng ông là người đã có thâm niên gần 30 năm đội nắng, dầm mưa trực tiếp xới đất, trồng và chăm sóc vườn cây đến ngày hái quả. Theo ông Lâm, để giảm sức người trong trồng trọt, ông đã mạnh dạn ứng dụng các mô hình sản xuất tiên tiến thông qua việc đầu tư lắp đặt hệ thống ống vòi phun nước, phân bón tự động từ gốc đến ngọn cây. Với cách làm này không chỉ giúp ông Lâm ứng phó hiệu quả với thời tiết, nguồn nước, mà còn tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí tưới tiêu cho vườn Sầu Riêng và trong thời gian tới đây, ông Lâm còn sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nước thông minh để dù có đi đâu, làm gì thì chỉ cần một thao tác trên điện thoại, vườn Sầu Riêng của gia đình ông cũng đủ phân, đủ nước.

Hy vọng rằng, con đường làm giàu của ông Lâm sẽ tấm gương truyền cảm hứng cho các hộ nông dân khác mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản suất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để vươn lên làm giàu trên mãnh đất của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nông dân trăn trở với mảnh đất quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO