Người Indonesia gặp phải nhiều bất ngờ do sóng thần tàn phá

07/10/2018 14:47

(TN&MT) - Khi sóng thần cao tới 6m tấn công thành phố Palu của Indonesia vào cuối tháng trước, ngôi nhà của Didiek Wahyudi Kurniawan gần bãi biển nhanh chóng chìm trong nước, khiến vợ và 2 con gái chỉ có vừa đủ thời gian để chạy thoát.

Toàn cảnh trên không về sự hủy diệt sau trận động đất trong khu phố Petabo ở Palu, miền Trung Sulawesi, Indonesia, ngày 7/10/2018. Ảnh: Athit Perawongmetha
Toàn cảnh trên không về sự hủy diệt sau trận động đất trong khu phố Petabo ở Palu, miền Trung Sulawesi, Indonesia, ngày 7/10/2018. Ảnh: Athit Perawongmetha

Ông Kurniawan cho biết ông đã ra ngoài vào thời điểm đó trong khi những thành viên trong gia đình ông trốn thoát bằng cách lội qua dòng nước cao đến ngực của tòa nhà 3 tầng bên cạnh.

 

Trong khi gia đình của ông kịp chạy trốn, số người tham dự lễ hội bãi biển ở Palu nằm trong số những người bị cuốn trôi, làm tăng số người thiệt mạng với hơn 1.600 người chết từ trận động đất 7,5 độ richter và sóng thần được xác nhận cho đến nay.

 

Những người sống sót khác cũng cho biết họ không nghe thấy còi báo động mặc dù cảnh báo sóng thần đã được ban hành và bị gỡ bỏ chỉ 34 phút sau trận động đất, dựa trên dữ liệu có sẵn từ cảm biến thủy triều gần nhất trên đảo Sulawesi, cách Palu khoảng 200km.

 

Có sự thúc đẩy lớn trong khu vực về cải thiện hệ thống cảnh báo sau khi sóng thần Ấn Độ Dương hồi năm 2004 làm chết hơn 120.000 chỉ riêng ở Indonesia. Việc cải thiện gồm thiết lập mạng lưới 22 phao cảnh báo để phát hiện sóng thần được đưa ra với sự trợ giúp của Đức và Mỹ.

 

Các cơ quan quốc tế và các quốc gia đã dành 4,6 tỷ USD viện trợ cho Indonesia để tái thiết tỉnh Aceh bị tàn phá của Indonesia trên đảo Sumatra, với cơ sở hạ tầng mới như các trung tâm sơ tán được bố trí có chiến lược.

 

Tuy nhiên, với những đợt sóng đầu tiên ở Palu ập đến chỉ trong vòng 4 phút và điện và thông tin liên lạc bị gián đoạn do động đất, cảnh báo bằng tin nhắn văn bản hoặc còi báo động có lẽ sẽ không đủ.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Denis McClean, phát ngôn viên Văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho rằng chỉ nhận thức của công chúng mới có thể cứu chính họ trong những trường hợp này.

 

“Nó diễn ra rất nhanh. Không có nhiều thời gian để cảnh báo được phổ biến đến toàn thể người dân, nên việc cứu sống người dân phụ thuộc rất nhiều vào trình độ nhận thức của công chúng” - Denis McClean nhấn mạnh.

 

"Động đất chính là cảnh báo"

 

Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết theo thường lệ, người dân vẫn không biết phải làm gì khi thảm họa xảy ra.

 

Không giống như ở các nước dễ bị động đất như Nhật Bản và New Zealand, công tác giáo dục về động đất và các cuộc diễn tập không được thực hiện thường xuyên ở Indonesia.

 

"Vấn đề trong các hệ thống cảnh báo sớm sóng thần không phải là cấu trúc, không phải công cụ của nó, mà là văn hóa trong cộng đồng của chúng ta", Nugroho nói với các phóng viên.

 

Theo Nugroho, cộng đồng đôi khi phá hoại các công cụ cảnh báo sớm như phao sóng thần.

 

Mạng lưới 22 phao ở Indonesia, được kết nối với cảm biến đáy biển đã không hoạt động được kể từ năm 2012, nguyên nhân được cho là do bỏ bê hoặc phá hoại.

 

Ngư dân thường sử dụng phao để buộc thuyền của họ, đôi khi làm hỏng cảm biến, trong khi có trường hợp ngư dân kéo một phao từ vị trí neo đậu ban đầu của nó đến một khu vực biển khác ngoài khơi Sulawesi.

 

Trong tuần này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết các phao được sửa chữa hoặc thay thế, nhưng các chuyên gia và quan chức nói việc đầu tư cũng bị bỏ quên ở các khu vực khác.

 

Theo dữ liệu từ cơ quan thiên tai, trong số khoảng 1.000 tiếng còi báo động sóng thần cần thiết trên khắp Indonesia, chỉ có 56 còi báo động được hoạt động.

 

“Chỉ có khoảng 3.100 km tuyến đường sơ tán được thiết lập chống lại nhu cầu của 11.900 km. Trong khi đó, chỉ có 50 nhà chờ sơ tán so với ước tính 2.200 nhà chờ cần thiết”, dữ liệu cho thấy.

 

Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia Bambang Soesatyo cam kết ít nhất là trong trường hợp có phao, quốc hội sẽ hỗ trợ ngân sách cho việc này.

 

Adam Switzer, một chuyên gia về sóng thần tại Đài quan sát Trái đất của Singapore nhận định từ bằng chứng cho đến nay có thể thấy sóng thần ở Palu được tạo ra bởi một vụ lở đất ngầm mà gần như hầu hết các hệ thống cảnh báo sẽ không nhận.

 

“Động đất là cảnh báo. Điều đầu tiên bạn cần làm là ẩn nấp trong một không gian an toàn cho đến khi rung chuyển dừng lại và sau đó thoát khỏi bờ biển” - Adam Switzer cho biết.

 

“Đó là về giáo dục” - Switzer nói và nhấn mạnh điều này là cần thiết để ăn sâu vào ý thức của mọi trẻ em ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

 

Udrekh, chuyên gia về thảm họa tại Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ (BPPT) cho biết Indonesia đang thảo luận với Nhật Bản về việc đầu tư vào cáp biển với cảm biến có thể phát hiện sóng thần và động đất, tương tự như hệ thống ở Nhật Bản. “Cáp này sẽ ít bị tổn thương hơn và nhanh hơn phao và chi phí 19,8 triệu USD một năm cho mỗi 200 km” - ông nói.

 

"Chúng tôi luôn nói về cơ sở hạ tầng thiên tai mà bạn tiết kiệm được 7 USD cho mỗi khoản đầu tư 1 USD bạn thực hiện, vì vậy điều này là cần thiết và chi phí không là gì so với cơ sở hạ tầng khác", ông Udrekh nói thêm.

 

Ông ước tính Indonesia thiệt hại khoảng 30 nghìn tỷ rupiah (tương đương 2 tỷ USD) mỗi năm do thiên tai, trong khi khoản chi vào cơ sở hạ tầng giảm thiểu thiên tai và giáo dục vẫn còn quá ít

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Indonesia gặp phải nhiều bất ngờ do sóng thần tàn phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO