Cuối tháng 9 chỉ sau vài cơn mưa nguồn là lũ sầm sập đổ về, nước có bao nhiêu đều theo ra biển tất cả. Sau cơn lũ chục ngày là lại trơ đất bạc…
Hơn chục năm sau, quê này vẫn thế. Dọc quốc lộ 1A hay quốc lộ 27 hai bên đường chỉ có cát trắng và nắng cháy. Những cánh đồng một vụ "ăn nước trời" thấp thỏm mùa được, mùa mất sản lượng kém. Có năm hạn, con nít đi xuống ruộng lọt cả chân lỗ nứt, hun hút tầm mắt là màu vàng chạch đến tận chân núi. Loáng thoáng là những đàn cừu lông trắng, nhởn nhơ kiên nhẫn gặm nhấm rễ cỏ và xương rồng đã được người chăn đốt gai.
Toàn bộ nước tưới tiêu và sinh hoạt phụ thuộc vào hệ thống kênh Bắc và kênh Nam dẫn từ đập Nha Trinh về và một phần khác phụ thuộc vào sông Dinh, sông Quao, sông Lu và những giếng khoan có chất lượng nước rất kém. Cư ngụ ở vùng đất khắc nghiệt như vậy, nên thật dễ hiểu vì sao từ xa xưa, năm nào người dân tộc Chăm ở đây cũng phải tổ chức lễ hội Cầu mưa (Lễ Palau Sah).
Ninh Thuận là dải đất cực Nam Trung Bộ, do vị trí địa lý đặc biệt, có nhiều dải núi che chắn nên lượng mưa trung bình rất thấp. 25 năm sau giải phóng (1975 - 2000), cả tỉnh mới xây dựng được 4 hồ chứa nước ngọt, tổng dung tích hơn 6 triệu m3 nước và chỉ đủ tưới cho 720 ha đất. 5 năm tiếp theo chỉ có một công trình thuỷ lợi Hồ Tân Giang được khánh thành.
Nhưng chỉ 6 năm từ năm 2004 đến năm 2011, Ninh Thuận đã xây được 11 hồ chứa với tổng dung tích gần 214 triệu m3 nước, tưới tiêu cho 10.570ha, gấp gần 15 lần các hồ xây trước đó. Riêng hồ Sông Trâu hoàn thành năm 2006 với dung tích 31 triệu m3 nước đã gấp 5 lần tổng dung tích của toàn bộ các hồ chứa có trước năm 2000.
Giờ đây, ai đi trên Quốc lộ 1A từ Cam Ranh vào Bình Thuận, hẳn ngạc nhiên về sự thay đổi khí hậu và chất lượng không khí nơi này. Những bụi gai và xương rồng, nay thành ruộng đồng 2, 3 vụ lúa, thành vườn táo, giàn nho xanh mướt trĩu quả... Để có được một Ninh Thuận trở mình xanh như thế, nhiều người vẫn nhắc tới bà Hoàng Thị Út Lan - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (giai đoạn 2004 - 2009) là một trong những lãnh đạo tỉnh có công lớn nhất trong xây hồ, đắp đập.
Có dịp gặp bà sau 13 năm rời nhiệm sở, vẫn dáng người nhanh nhẹn, giọng nói miệt quê nhỏ nhẹ và chiếc áo sơ mi giản dị như thời đương chức. Sau khi nghỉ hưu, bà đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội bảo trợ Bệnh nhân nghèo của Ninh Thuận. Muốn gặp bà cũng khó như thời bà đương chức, bởi bà suốt ngày tới các địa phương để thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho những hoàn cảnh nghèo bệnh nặng.
Khi hỏi về điều gì khiến bà quan tâm nhất khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, bà Hoàng Thị Út Lan chia sẻ: Năm 2005, Ninh Thuận gặp hạn hán rất nặng, tính sơ bộ thiệt hại từ nông nghiệp đến cả trăm tỷ đồng, gần 12 ngàn hộ dân thiếu nước nghiêm trọng, Trung ương phải cứu đói 1.000 tấn gạo. Ðiều này càng khẳng định quyết tâm của bà cũng như tập thể lãnh đạo tỉnh, đó là: thủy lợi chính là mấu chốt để sản xuất nông nghiệp, là động lực phát triển của địa phương.
Bà ít nói về mình, mà chỉ kể về những lần ra Hà Nội gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành để “xin” kinh phí làm hồ thuỷ lợi. Nhắc về kỷ niệm khi đưa cố Thủ tướng Phan Văn Khải lên thăm công trường đang thi công hồ Sông Sắt ở huyện Bác Ái (hồ lớn nhất tỉnh thời bấy giờ, được khánh thành năm 2008), cố Thủ tướng có nói “Tôi còn nợ dân Bác Ái nhiều lắm”, và cho tới tận bây giờ bà vẫn coi câu nói của cố Thủ tướng như là tâm nguyện để cố gắng làm cho người dân.
Với bà thì công trình hồ Sông Sắt hoàn thành, có dung tích gần 70 triệu m3 nước, tưới cho 2.800ha làm bà thấy mãn nguyện nhất trước khi rời nhiệm sở để nghỉ hưu. Khi hỏi về các công trình hồ chứa được hoàn thành sau khi về hưu, bà cười rất tươi và nói: “Hồi đó mình chủ yếu kết nối làm được cái móng, cái nền, sau đó anh em tiếp nối làm được như hôm nay. Anh em kế nhiệm đều trẻ và có trình độ nên làm rất tốt”. Bà hăm hở kể về hồi tháng 4 vừa rồi, anh em đưa lên thăm hệ thống Thủy lợi Tân Mỹ có sức chứa hơn 200 triệu m3, bằng tổng số 21 hồ chứa hiện nay của tỉnh.Theo bà thì giờ đây Ninh Thuận đã ổn hơn nhiều về nước tưới, chắc chắn sẽ bớt lo về hạn hán...
5 năm làm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, số hồ chứa xây dựng và hoàn thành có dung tích gấp gần 20 lần và nếu tính thêm các hồ khởi công và hoàn thành sau khi bà nghỉ hưu, thì tổng dung tích gấp cả trăm lần trước đó. Bà Lan chia sẻ: Bây giờ mỗi lần về quê mình, nơi vùng đất cuối kênh trước kia chỉ trồng được các loại cây chịu hạn như dưa hồng, khoai lang, nay đã là những rẫy táo, giàn nho, ruộng rau xanh ngát và bà chợt thấm thía câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân…”. Bà hạnh phúc vì cuộc sống của những người nông dân ở các làng quê nghèo dần đổi thay. Bà thấy vui vì những năm tháng mình cống hiến cho người dân không uổng chút nào.