Dự án Công viên văn hóa Tràng An được quy hoạch và bắt đầu triển khai từ năm 2009, trong đó có 80 hộ thuộc thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình bị ảnh hưởng phải di dời đến nơi ở khác. Tuy nhiên, đến nay đã 13 năm trôi qua, 80 hộ này vẫn chưa được chuyển đến nơi ở mới, các công trình, nhà cửa xuống cấp, cuộc sống và điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Phú Lương, một trong 80 hộ nằm trong vùng dự án ở thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất cho biết, Dự án Công viên văn hoá Tràng An được triển khai giải phóng mặt bằng từ năm 2009. Đến nay, đã 13 năm được kê khai, kiểm đếm nhưng vẫn chưa thực hiện gây khó khăn cho đời sống nhân dân. Nhiều nhà dân đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được nâng cấp, xây mới vì nằm trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng; có thanh niên muốn xây dựng gia đình nhưng không có chỗ ở đành tạm dừng đám cưới; có hộ gia đình khi có việc hiếu không có chỗ để tổ chức đám tang, chỗ thờ tự người đã khuất cũng mưa dột; người dân thiếu điện nước sinh hoạt, không được kinh doanh dịch vụ…
“Trong thời gian chờ triển khai dự án, chúng tôi chỉ mong nhà nước tạo điều kiện cho những hộ dân thuộc thôn Ích Duệ nằm trong vùng quy hoạch khu công viên văn hoá Tràng An được xây sửa nhà ở, kinh doanh dịch vụ đảm bảo cuộc sống”, ông Lương bày tỏ.
Sau hơn thập kỷ thấp thỏm, đợi chờ, điều mong mỏi lớn nhất của họ hiện nay là sớm được đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, lo cho tương lai lâu dài. Ông Bùi Danh Tuyến, nhà nằm trong vùng dự án chia sẻ, đất thổ cư của hàng chục hộ trong thôn nằm trong vùng dự án phải thu hồi và di dời; nhưng suốt bao năm qua người dân càng chờ di dời, càng ngóng tái định cư càng không thấy. Nhà cửa thì xuống cấp, nứt, thấm dột mỗi khi trời mưa, đó là chưa kể mùa mưa bão đang đến gần khiến người dân càng thêm bất an.
Chưa kể, mặt bằng dở dang nhiều năm nay được san lấp cao hơn đường và nhà dân nên mỗi khi trời mưa, khu vực này dễ bị ngập úng cục bộ kéo dài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của bà con.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Trịnh Hoàng Hải, Bí thư xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình cho biết, những hộ thuộc vùng dự án Công viên văn hoá Tràng An bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhà cửa xuống cấp không được làm rộng đẹp lên hoặc xây mới; những gia đình đông con cũng không được tách hộ… Dự án từ năm 2009 nhưng đến nay người dân vẫn chưa được di dời đến nơi ở mới nên người dân kiến nghị là chính đáng.
Theo ông Hải, việc GPMB để thực hiện dự án Công viên văn hoá Tràng An còn vướng mắc ở nhiều vấn đề. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn bố trí cho dự án thì còn vướng về một số cơ chế chính sách khiến người dân cũng còn nhiều phân vân.
Để làm rõ hơn những vướng mắc khi thực hiện dự án Công viên văn hoá Tràng An, phóng viên liên hệ làm việc với UBND TP. Ninh Bình. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng TN&MT TP Ninh Bình cho biết, dự án Công viên văn hoá Tràng An do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Dự án triển khai kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Ninh Bình đã tiến hành kê khai, kiểm đếm theo quy trình, ban hành các kế hoạch thông báo thu hồi đất, tổ chức kê khai, kiểm đếm; dự thảo phương án và công khai lấy ý kiến. Tuy nhiên, đến nay, chưa thực hiện công tác GPMB đối với các hộ gia đình nêu trên do chưa bố trí được nguồn kinh phí GPMB.
Còn việc công trình, nhà cửa của các hộ dân bị xuống cấp, hư hỏng thì ông Dũng cho hay, Do quá trình thực hiện do thời gian kéo dài, TP đã có văn bản giao UBND xã và các phòng chuyên môn, trong trường hợp người dân đề nghị cải tạo, sửa chữa thì khảo sát, thống nhất phương án sửa chữa hợp lý đảm bảo an toàn, tránh lãng phí.
“Thành phố cũng giao cho UBND xã, phường trong vùng dự án vào mùa mưa bão thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng nhà cửa của các hộ dân thuộc vùng dự án; trường hợp không đảm bảo an toàn có phương án xử lý kịp thời trong các đợt bão”, ông Dũng nhấn mạnh và mong dự án Công viên văn hoá Tràng An sớm thực hiện để bà con nhân dân yên tâm, ổn định chỗ ở.