Người dân Việt Nam hướng về Đất Tổ từ trái tim mình

Lê Khanh| 02/04/2020 11:53

(TN&MT) - Giỗ Tổ năm nay đúng vào “đỉnh điểm” của đại dịch Covid - 19. Các hoạt động dâng hương tưởng niệm bắt đầu từ 9 giờ sáng 2-4 và chỉ thực hiện phần lễ hạn chế tối đa người tham gia. Tuy nhiên, trong mỗi trái tim người dân Viêt Nam, vẫn hướng về nguồn cội với lòng thành kính tri ân người anh hùng khai sinh nước đại Việt - Vua Hùng

Lễ hội truyền thống quốc gia của người Việt

Từ rất lâu trong lịch sử Việt Nam, ngày 10/3 âm lịch đã trở thành một ngày trọng đại của cả dân tộc. Ðây là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Ðể ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Ðền Hùng, chọn ngày 11 và 12/3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ðến thời nhà Nguyễn - năm Khải Ðịnh thứ 2 chính thức chọn ngày 10/3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Kể từ năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức công nhận giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ. Từ đó, ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với con dân người Việt. Vào ngày 6/12/2012, ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giờ đây, ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Người dân TP Hồ Chí Minh tái hiện nghi lễ truyền thống người Phú Thọ xưa trong Lễ Hội Vua Hùng 2019 (ảnh Quang Định)

Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch chính là nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Hàng năm, cứ vào ngày này thì người dân Việt Nam dù đang ở đâu cũng cùng nhau hướng về cội nguồn dân tộc. Theo tục lệ hàng năm, ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Ðền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Ðây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước.

Qua các hoạt động Lễ hội đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định nỗ lực, cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ, nhất là tôn vinh giá trị 2 di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.

Mặc dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều biến động thăng trầm nhưng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ thay đổi. Giỗ tổ Hùng Vương chính là một minh chứng hùng hồn cho điều đó. Giỗ Tổ Hùng Vương là nghi lễ thiêng liêng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của các thế hệ đi trước tri ân công đức các Vua Hùng đã trở thành biểu tượng của nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương là vấn đề linh thiêng nhất của tín ngưỡng đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Nghi lễ rước kiệu truyền thống ở Đền Hùng, 2019 (ảnh Quang Định)

Dâng hương tưởng niệm từ trái tim mình

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đúng ngày “đỉnh điểm” toàn dân tộc chống “giặc Covid-19”. Tất cả các hoạt động đều tạm không thực hiện, nhất là phần lễ hội truyền thống. Phần lễ dâng hương tưởng niệm chỉ làm nghi thức gọn nhẹ, hạn chế tối đa người tham gia. Tất cả đeo khẩu trang chống dịch. Nhưng hơn 90 triệu người dân Việt Nam hướng về đất Tổ trong niềm tâm tưởng

Từ nhà giàn DK1 xa xôi, Trung tá Lê Xuân Nam chỉ huy trưởng DK1/16 chia sẻ: “Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Đây là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc, là niềm tự hào của những người con mang dòng máu Việt. Tuy nhiên, chúng ta đang chống dịch Covid-19, các hoạt động không thực hiện là hoan nghênh. Năm nay không thực hiện, thì sang năm. Chúng tôi vẫn nhớ về Đất Tổ, vẫn dâng hương tưởng niệm tự trong trái tim mình”.

Là người con Phú Thọ, anh Nguyễn Văn Nhân đã chọn Vũng Tàu là quê hương thứ hai để lập nghiệp mưu sinh. Giữa đại dương xa xôi của Tổ quốc, cũng như nhiều người con Phú Thọ khác, Nhân không về quê giỗ Tổ được vì đại dịch Covid hành hoành. Gửi niềm tưởng nhớ về giỗ Tổ ở quê nhà những dòng tri ân nghĩa cử của người con đất Tổ xa quê qua Facebook: “Năm nay mình không về để dâng hương vì dịch Covid, xin gửi về Đất Tổ niềm tri ân sâu sắc. Có được Tổ quốc tươi đẹp như hôm nay, hơn 90 triệu người dân cả nước không quên các Vua Hùng đã có công dựng nước”.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay vào ngày thứ Năm, tức ngày 2-4 dương lịch. Vì đại dịch Covid, Đảng, Nhà nước không tổ chức Lễ hội truyền thống như mọi năm. Tuy nhiên, hơn 90 triệu người dân Việt Nam vẫn dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng từ trái tim mình.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Việt Nam hướng về Đất Tổ từ trái tim mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO