Người dân ở nhà tránh dịch, chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện

Tuyết Chinh| 07/04/2020 16:49

(TN&MT) - Sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg được ban hành và thực thi đã giảm thiểu các hoạt động phát thải nội tại, cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội. Tuy nhiên, hoạt động khác của khu vực lân cận và các tỉnh xung quanh vẫn cho thấy tác động nhất định lên chất lượng không khí Thủ đô.

Không khí duy trì mức tốt - trung bình

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội), biến thiên nồng độ của các chất ô nhiễm có trong không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng như: nguồn phát thải, điều kiện khí tượng (tốc độ gió, khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định), bức xạ mặt trời) và các phản ứng quang hóa. Đây là thời điểm đặc biệt, khi mà số dân ở Hà Nội, lưu lượng giao thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, công trình xây dựng giảm đáng kể... phù hợp để đánh giá sự thay đổi của nồng độ các chất ô nhiễm không khí trong các điều kiện khí tượng khác nhau.

Người dân ở nhà tránh dịch, ô nhiễm không khí Hà Nội giảm. Ảnh minh họa

Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 26/3 – 31/3, các hoạt động dân sinh, sản xuất, công trình xây dựng… vẫn diễn ra bình thường. Riêng hoạt động giao thông có thể giảm do học sinh, sinh viên đang được nghỉ học. Điều kiện khí tượng có sự thay đổi liên tục. Chỉ số chất lượng không khí dao động từ Tốt – Kém.

Kết quả quan trắc tại 2 trạm cố định Trung Yên 3 (trạm nền đô thị) và Minh Khai (trạm giao thông)  từ ngày 26/3/2020 đến ngày 6/4/2020 cho thấy, trong tuần đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nồng độ PM2.5 tại hai trạm tương ứng giảm gần 22% và 25%, chỉ số chất lượng không khí thường xuyên duy trì ở mức Tốt – Trung Bình (riêng ngày 3/4 một sô thời điểm ở mức Kém – Xấu).

“Từ ngày 1/4 - 7/4, tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, các hoạt động như công trình xây dựng, nhiều ngành nghề sản xuất tạm thời dừng hoạt động trừ các loại hình sản xuất công nghiệp thiết yếu, các phương tiện giao thông giảm, do đó giảm lượng khí thải khói bụi phát sinh vào môi trường. Bên cạnh đó, điều kiện khí tượng thời tiết trong thời gian này tương đối thuận lợi, góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội”, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội lý giải.

Đáng chú ý, trong ngày 3/4 (0:00h – 12:00h) là thời điểm nồng độ PM2.5 tăng cao nhất trong tuần, chỉ số AQI dao động từ 120 – 165 (Kém – Xấu). Trong bối cảnh các hoạt động phát thải ô nhiễm nội tại Hà Nội đã giảm đáng kể, có thể nhận định chất lượng không khí tại Hà Nội còn đang chịu tác động từ các hoạt động khác của khu vực lân cận và các tỉnh xung quanh.

“Có thể nói, sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg được ban hành và thực thi đã phần nào góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội. Tuy nhiên, các yếu tố khí tượng, thời tiết vẫn cho thấy tác động nhất định lên chất lượng không khí Thủ đô. Thời gian tới, cần nghiên cứu đánh giá chuyên sâu về tác động từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xử lý chất thải tại các khu vực lân cận tác động tới Hà Nội”, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đánh giá.

Chất lượng không khí đang xấu đi qua các năm

So sánh chất lượng không khí Thủ đô cùng kỳ năm nay so với các năm 2018 và 2019, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, kết quả quan trắc chỉ ra, nồng độ PM2.5 đang có xu hướng tăng lên qua các năm.

Cụ thể, Quý I/2020, nồng độ PM2.5 biến thiên và chênh lệch khá cao; vào các đợt ô nhiễm tăng cao phần lớn nồng độ PM2.5 đều cao hơn 100 µg/m3. Đây là giai đoạn có tỷ lệ số ngày bụi vượt chuẩn cao nhất trong 3 năm, cao hơn 2 lần so với quý I/2019 và 3 lần so với cùng kỳ 2018.

Trong khi đó, Quý I/2019 và Quý I/2018, nồng độ PM2.5 ổn định hơn. Các đợt ô nhiễm xảy ra với tần suất thấp hơn, nồng độ PM2.5 dao động từ 40 - 100µg/m3.

So sánh tỷ lệ AQI trong 3 năm liên tiếp cho thấy, quý I/2020 có AQI đạt mức “Tốt” chiếm tỷ lệ cao nhất trong 3 năm, tuy nhiên, AQI ở các mức “Kém”, “Xấu”, “Rất xấu” cũng chiếm tỷ lệ cao.

“Đặc biệt, quý I/2020 xuất hiện AQI chạm ngưỡng “Rất xấu” (tương ứng mức cảnh báo thứ 5 trong 6 mức cảnh báo) và 4/10 trạm có CLKK chủ yếu duy trì ở mức “Kém”, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin và khẳng định, chất lượng không khí Hà Nội đang có xu hướng xấu đi qua các năm. Sự biến động này có thể liên quan đến sự gia tăng phát triển kinh tế, dân số, công trình xây dựng, nhà máy sản xuất … và điều kiện khí tượng thay đổi qua từng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân ở nhà tránh dịch, chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO