(TN&MT) - Trong khi chờ kết luận của đoàn Thanh tra liên ngành về xử lý thực trạng lần chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trong toàn tỉnh, thì ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên), người dân tiếp tục cải tạo, chuẩn bị thả nuôi tôm vụ mới. Thậm chí, họ còn đốn hạ tận gốc hàng trăm phi lao chắn gió, cát ven biển để đóng cọc bao quanh hồ tôm.
Người dân tự ý đốn hạ hàng trăm cây phi lao để đóng cọc xung quanh bờ bao các hồ tôm |
Rừng phi lao bị đốn hạ
Trên tuyến đường ven biển, đoạn qua các thôn Phú Sơn và Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An có hàng chục đường nhánh băng qua rừng phi lao ven biển xuống bờ sông đối diện cửa biển Tân Quy. Tại đây có 54 hồ nuôi tôm, trong đó 48 hồ sử dụng đất sai mục đích hoặc trái phép (mỗi hồ có diện tích trên dưới 5.000m2) đang được đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh xử lý.
Hiện trường cho thấy, vẫn còn dấu vết đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm làm hồ nuôi tôm gây sạt lở bờ. Bên trong rừng, nhiều cây phi lao từ 20 đến 30 năm tuổi mới bị người dân cưa hạ ngang gốc còn rỉ nhựa để làm cọc đóng xung quanh bờ bao các hồ nuôi tôm cao triều, mà người dân thường gọi là hồ nổi. Có điều lạ là họ tự do cưa cắt tận gốc nhiều cây phi lao có đường kính trên dưới 20cm, ngang nhiên vác giữa ban ngày như không có chuyện gì xảy ra.
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Chung Chánh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, nói: “Một số diện tích rừng phòng hộ phi lao đã được giao cho người dân quản lý, bảo vệ nên được quyền tỉa cành, nhánh, nhưng nếu họ chặt cả gốc lẫn ngọn là vi phạm. Trước đây, địa phương cũng đã thường xuyên kiểm tra phát hiện, xử lý một số trường hợp. Tuy nhiên, do kinh phí tổ chức tuần tra còn hạn chế nên việc bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn”.
Khó xử lý các hồ tôm
Trước đây, nhiều hồ nuôi tôm có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu vực trên là của một số cán bộ huyện, xã, sau đó bán lại cho người dân, và việc khắc phục lại hiện trạng ban đầu là hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bửu, một người nuôi tôm tại đây phân trần: “Đây là hồ của mấy ông huyện bán lại cho tôi. Trong khu này trước đây còn có hồ của các ông V, B, K…, mỗi hồ người dân mua lại mười mấy cây vàng. Ông Nguyễn Chung Chánh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, Tuy An cho biết thêm: “Trong khu vực trên có hồ tôm của ông Lê Văn Thâu là trái phép. Còn hồ ông Nguyễn Văn Bửu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được mua lại trước đây của ông Phúc. Hồ này có lấn đất rừng phòng hộ trước đây. Đến nay, chỉ có hơn 10 trường hợp khắc phục hoàn toàn, số còn lại chỉ khắc phục từ 50% đến 70% hoặc không đủ điều kiện khắc phục vì không có cát để lấp”. Cũng theo ông Chánh, mỗi hồ nuôi tôm rộng ít nhất 4.000m2, sâu hơn 1m. Vì vậy, muốn trả lại nguyên trạng, mỗi hồ cần ít nhất 4.000m3 cát, chi phí rất tốn kém. Trong khi đó, mặc dù khu vực rừng phòng hộ có cát, nhưng không thể lấy để san lấp vì sẽ tiếp tục vi phạm.
Tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên từ nhiều năm trước. Rộ nhất là từ năm 2011 đến năm 2012 ở huyện Tuy An, buộc UBND tỉnh Phú Yên phải chỉ đạo chính quyền huyện và xã kiểm tra, xử lý 48 trường hợp với diện tích hơn 41.000m2. Qua đó, Huyện ủy Tuy An cũng đã kỷ luật tập thể chi ủy thôn Phú Sơn và Phú Lương, xã An Ninh Đông và 6 cán bộ xã, huyện. Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý hành chính, buộc phải khôi phục diện tích rừng như nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay phần lớn chưa được thực hiện.
Xã An Ninh Đông, huyện Tuy An có hơn 303ha rừng phòng hộ ven biển, chủ yếu trồng phi lao. Trong đó, chính quyền và các ngành chức năng đã giao hơn 72ha cho 130 hộ dân, diện tích còn lại do UBND xã quản lý. Việc chặt phá rừng phòng hộ sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau đã xảy ra nhiều năm qua. Do xử lý chưa kiên quyết, dứt điểm nên những người nuôi tôm tiếp tục lấn chiếm, phá rừng.
Bài & ảnh: Phương Nam