Người dân là chủ thể bảo vệ rừng dừa ngập mặn Cẩm Thanh

04/09/2019 10:04

(TN&MT) - Sau nhiều năm hoạt động du lịch mang tính tự phát, tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể đã được xây dựng đưa vào thử nghiệm ở vùng sông nước Cẩm Thanh (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) mở ra hi vọng tài nguyên du lịch sẽ được bảo tồn tốt hơn. 

Rừng dừa gắn liền với sinh kế người dân vùng sông nước Cẩm Thanh, Hội An
Rừng dừa gắn liền với sinh kế người dân vùng sông nước Cẩm Thanh, Hội An
 

Từ tour du lịch lấy cộng đồng làm chủ thể

Nằm ở phía hạ nguồn sông mẹ Thu Bồn, vùng đất Cẩm Thanh được ví von là “miền Tây thu nhỏ giữa lòng đô thị cổ Hội An” đang trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách. Ở đó, người nông dân một thuở chân lấm tay bùn đã biết cách kết hợp nghề nông với phát triển du lịch.

Sau nhiều năm hoạt động du lịch mang tính tự phát, đến cuối năm 2018, một tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể đã được xây dựng, đưa vào thử nghiệm. Cụ thể, chương trình tour được thiết kế dựa trên nền tảng sinh thái sẵn có của địa phương, với các điểm đến như: Vườn rau hữu cơ Thanh Đông, làng lúa, rừng dừa nước Bảy Mẫu cùng các di tích lịch sử, văn hóa. Và ở tour du lịch mới mẻ này, không ai khác, nông dân địa phương chính là những hướng dẫn viên đưa du khách tham quan các giá trị sinh thái văn hóa ấy.

Ông Lê Nhương (người dân Cẩm Thanh) chia sẻ, từ ngày có mô hình này, thu nhập của bà con nông dân cải thiện đáng kể. Hầu hết hộ dân trước đây sống bằng ngư nghiệp nay đã chuyển đổi sang nhiều nghề khác nhau.

“Còn gì tuyệt vời hơn khi chính bản thân người nông dân được say sưa chia sẻ kinh nghiệm làm nông đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là những giá trị vô giá đến từ các di tích lịch sử của địa phương”- ông Nhương hào hứng.

Hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh chịu áp lực lớn từ các hoạt động du lịch
Hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh chịu áp lực lớn từ các hoạt động du lịch
 

Cũng như ông Nhương, anh Trần Văn Phú (28 tuổi, thôn Vạn Lăng) cũng khởi nghiệp với mô hình du lịch sinh thái nhờ vào rừng dừa. Hiện tại, Phú chính là một trong số hàng chục người có thúng và đang hợp đồng với một doanh nghiệp lữ hành địa phương để thực hiện tour tham quan rừng dừa Bảy Mẫu.

“Mấy tháng chèo thúng đưa khách tham quan, thu nhập của mình cải thiện thấy rõ. Trong mơ mình cũng chưa từng dám nghĩ có một ngày rừng dừa gắn bó với những năm tháng ấu thơ lại đem đến cơm ăn, áo mặc và giúp mình có cuộc sống sung túc hơn”, anh Phú nói.

Đến bài toán bảo tồn rừng dừa

Rừng dừa nước Cẩm Thanh là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên đặc biệt. Bên cạnh niềm vui du lịch phát triển, người dân địa phương có cuộc sống ấm no, công tác bảo tồn rừng dừa cũng đối diện nhiều thách thức, áp lực trong phát triển bền vững.

Để phục vụ phát triển du lịch, người dân tự ý xây kè chắn lấn chiếm rừng dừa, đào ao nuôi hải sản, xây biệt thự kiên cố bằng bê tông cốt thép, cắt lá dừa nước lợp nhà, làm nhà hàng, quán nhậu… ngay giữa lòng rừng dừa.  Hàng quán, tàu thuyền cùng với tiếng nhạc tai nhức óc suốt ngày đến nỗi chim chóc, cá tôm ngày càng hiếm vì không dám đến đây trú ngụ, sinh sản. Điều này đã khiến cho hệ sinh thái rừng dừa bị tổn hại nghiêm trọng, rừng dừa ngày càng cằn cỗi, không thể phát triển.

Đồng quản lý sẽ giúp việc bảo vệ tài nguyên rừng dừa được hiệu quả hơn
Đồng quản lý sẽ giúp việc bảo vệ tài nguyên rừng dừa được hiệu quả hơn
 

Từ tháng 4/2018, Dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng” do Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) hỗ trợ triển khai tại địa phương. Dự án nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài là bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cộng đồng tại Cẩm Thanh với tổng kinh phí khoảng hơn 2,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) khoảng 1 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của thành phố. Thời gian kết thúc dự án vào năm 2021 nhằm mục tiêu lâu dài là bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, TP. Hội An. Từ đây, cộng đồng sẽ được tham gia trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ và phát triển hệ sinh thái, đa dạng sinh học rừng dừa nước.

“Dự án này có điểm khác biệt là không phải tập trung vào vấn đề sinh kế như những dự án trước vì người dân không còn quá nghèo như xưa nhưng làm sao để họ giữ được nguồn lợi này, giữ được rừng dừa và tài nguyên sinh thái này thì mới bền vững. Vì vậy yêu cầu đặt ra là giao rừng dừa cho cộng đồng, nghĩa là cộng đồng tham gia bảo vệ rừng dừa, cùng nhau làm du lịch, cải thiện sinh kế. Muốn người dân Cẩm Thanh sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản thì thiết chế cộng đồng phải được tăng cường theo mô hình đồng quản lý”- bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia, đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) nói.

Theo PGS.TS Uông Đình Khanh - Phó Viện Trưởng Viện Địa lý, mục đích của tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể là đưa được khách đến tham quan, tham gia những mô hình bảo tồn tài nguyên sinh thái do chính cộng đồng nơi đây thực hiện như bảo tồn và sử dụng bền vững rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng.

“Từ đó, cộng đồng cư dân địa phương sẽ có thêm thu nhập từ chính các mô hình nông nghiệp sinh thái mà họ đang thực hiện và tạo sinh kế bền vững cho người dân”- PGS.TS Uông Đình Khanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân là chủ thể bảo vệ rừng dừa ngập mặn Cẩm Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO