Nhiều bà con Phú Nhuận gọi bà là người đàn bà thép có trái tim nhân ái. Bà là Lê Thị Tâm ngụ tại phường 4, quận phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh.
Sinh tử giữa vòng vây địch
Cánh cổng sắt hé mở. Trước mặt tôi là cụ bà dáng cao, gầy, đôi mắt lõm sâu. Bà bảo “có việc gì không con”? khi tôi thưa “hôm qua con có hẹn với dì ạ. Con là bộ đội Hải quân ạ”.
Trước mắt tôi là một căn nhà nhỏ chung ngõ với người hàng xóm- căn nhà của người đàn bà thép mấy mươi năm qua “ẩn” dưới những khối nhà cao tầng giữa Sài Thành tấp nập đất chật người đông.
Niềm vui đọc báo mỗi ngày của “người đàn bà thép”. |
Chỉ tay về phía chiếc tủ hồ sơ có nhiều bằng khen, huân huy chương các loại, bà bảo. “Cuộc đời dì gói trong bộ hồ sơ này. Đó là những năm tháng làm cách mạng và cuộc đấu tranh không cân sức trong nội bộ”. Có rất nhiều câu chuyện của “người đàn bà thép” này khiến ai nghe cũng nhói lòng khâm phục như chuyện 14 tuổi tham gia cách mạng ở Ty công an tỉnh Phú Yên. Chuyện làm thư ký mật mã trong rừng sâu giữa vòng vây quân thù. Song chuyện bà bị địch tra tấn dã man ở nhà lao Chí Hòa và phòng giam số 9 ngoài ngục tù Côn Đảo làm mắt tôi cay cay.
Bà kể, thời gian hoạt động trong nội đô Sài Gòn Gia Định, bà được “cánh 159” (tổ chức bí mật biệt động thành) giao nhiệm vụ cùng viên Sài Gòn, xuống đường kéo đến Đại sứ quán Mỹ biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh. Nhờ có mưu trí, nhanh nhẹn mà bà “lọt” hàng trăm lần “lưới giăng” của Mỹ. Những tài liệu bí mật từ nội đô được chuyển ra vùng ven hậu cứ tuyệt đối an toàn, bí mật.
Bà Tâm với bữa cơm đạm bạc mỗi ngày |
Một lần, bà đóng giả thiếu nữ gánh rau đem chợ bán từ An Giang lên Sài Gòn. Vừa đặt chân đến cầu Đà Rằng (gần Bến Bạch Đằng quận 1 ngày nay) thì bị bắt. Chúng trói bà “trật cánh khỉ” rồi tống lên xe jép đưa thẳng về nhà giam Thủ Đức. “Lúc đó tài liệu tui cuộn tròn để trong cooc xê (áo ngực-PV). Nghĩ trong bụng, nếu tài liệu này rơi vào tay nó, thì toàn bộ cơ sở cách mạng vùng ngoại tuyến của ta bị lộ và tiêu diệt hết. Làm cách nào để hủy đây, trong khi đó hai tay bị trói quặt sau lưng. Tui cựa quậy thật mạnh và kêu kiến cắn. Tên lính quát “con này điên à. Mày làm gì đó”. Tui bảo bị kiến đốt. Rồi dùng cầm cựa mạnh vào vú để tài tài liệu lọt xuống bụng. Bất ngờ mảnh giấy rơi ra thùng xe, tui lấy bàn chân chận lên. Tôi vờ ngã lăng ra thùng xe, dùng miệng với mảnh giấy ngậm chặt. Thằng lính nhìn tôi trừng trừng, tui ú ớ kêu đau. Thực tình tui đang “nghiền” mảnh giấy trong miệng để nuốt”, bà Tâm hồi tưởng lại.
Chiếc xe jep dừng lại trước một nhà giam ở Thủ Đức. Chúng lôi bà xuống và tống vào một gian nhà hoang mốc. “Trước khi “đòn thù” bắt đầu, chúng hỏi tên, tuổi, quê đâu, làm gì? tui bảo quê Cần Giuộc, cha tui đã chết, mẹ tui bỏ đi, tui tên Đào, em tui tên Dung, tui không có nhà cửa. Nhưng bọn nó không tin. Nó dùng roi điện tra tấn rất dã man. Tui ngã xuống đất, một thằng lính dùng dày đinh đạp lên bụng. Chúng xé quần áo, dùng xà bông đổ vào mồm, dùng kìm cặp vào bộ phận sinh dục. Tui nhất thiết không khai. Tui nghĩ, khai cũng chết, không khai còn có cơ hội trở về với cách mạng”, bà Tâm kể lại.
Không “cạy được mồm” người đàn bà thép, địchchuyển bà giam ở Khám Chí Hoà. Tại đây, bà bị tra tấn dã man hơn, nhưng cũng không “moi” được gì từ “ý chí thép” của “người đàn bà thép”.
Tháng 8-1968, tức hơn 2 năm giam cầm nhiều nhà tù khắp Sài Gòn, bà Tâm bị địch kết án tử hình và đầy ra Côn Đảo. “Trước khi đầy Côn Đảo, chúng dẫn tui đến cầu Đà Rằng bảo tui cúi đầu chào cờ Mỹ. Tui không chịu. Một thằng hỏi “cơ hội cuối cùng, khai thì được về với gia đình đoàn tụ. Cánh 159 là ai, mày có phải là bí thư chi bộ đảng không”?. Tui trả lời “không. Tui đấu tranh vì đồng bào và dân tộc thì không có gì sai cả”. Biết không khuất phục được, chúng tổng tui xuống hầm tàu và đày ra Côn Đảo. Suốt 9 năm 6 tháng ở nhà tù Côn Đảo, tui không biết mặt trời là gì. Khi được thả tự do, tui mới biết tui bị giam ở Phú Hải, chuồng cọp. Bà Trương Mỹ Hoa giam phòng số 9, còn tui phòng số 6”.
Bỗng bà Tâm xúc động khóc. Bà đứng dậy đến cạnh chiếc tủ cũ với tay lấy mảnh vải ố nhoè. Trong mảnh vải ấy có hình em bé gái và con chim bồ câu. “Gần 10 năm lưu đày Côn Đảo, dì phải gửi con Hạnh cho cách mạng nuôi. Cái hình này là dì thêu hình con Hạnh. Con chim bồ câu có ý nghĩa khi đất nước thống nhất, dì sẽ là chim bồ câu bay về với cách mạng”, giọng bà cảm động.
Bà Tâm khóc. 50 năm trước, hàng chục lần bà phải nén nước mắt mỗi khi có đồng đội hi sinh. Giọt nước mắt sau 50 năm có cả đau thương và cả niềm kiêu hãnh. Đau thương bởi hầu hết đồng đội của bà đã hi sinh hoặc đi vào lòng đất vì tuổi cao sức yếu. Kiêu hãnh vì chính giọt nước mắt nén chặt năm xưa mà đã giúp bà trở nên đanh thép hơn, và chưa bao giờ gục ngã trước họng súng quân thù.
Tui làm với trách nhiệm của người đi trước
Năm 1990 bà Tâm được nghỉ hưu theo chế độ nhà nước. Thay vì quây quần bên con cháu và “hưởng già” thì bà lại âm thầm tích cóp tiền lương hưu để giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ khó khăn, những thân nhân gia đình liệt sĩ, đăc biệt những quân nhân đã trở về từ “trận chiến Gạc Ma” ngày 14-3-1988 và vợ con, bố mẹ của họ. “Lớp chúng tui được Đảng dạy dân nuôi. Tui được sống như ngày nay, hàng ngàn, hàng vạn người đã ngã xuống. Tui không phải làm từ thiện mà làm với trách nhiệm và nghĩa vụ của lớp người đi trước”- đưa tay lên ngực, bà Tâm nói từ trái tim mình.
Mở “bộ hồ sơ bí mật”, bà Tâm cho tôi xem hàng trăm tấm ảnh đen trắng. Đó là những tấm ảnh được chụp ở nhiều thời gian khác nhau trong đời làm cách mạng của bà và hành trình 30 năm âm thầm làm việc nghĩa. Chỉ một tấm ảnh bà và mấy phụ nữ đang vác gạo chuyển lên xe ô tô, bà bảo: “Đây là lần tui chuyển 14 tấn gạo ra cho đồng bào miền Trung lũ lụt, đây là lần tặng quà cho lớp học giữa rừng già”.
Bà Tâm tặng quà trung thu cho con và thân nhân 10 gia đình liệt sĩ DK1 đã hinh sinh trên biển. |
Thêm một lần nữa tôi kìm xúc động khi bà Tâm kể bán căn nhà để mua gạo ủng hộ đồng bào miền Trung trong cơn bão lịch sử năm 2009. “Sau khi tui được thả tự do từ Côn Đảo trở về, nhà nước chia cho tui một căn nhà rộng ở đường Đặng Văn Ngữ. Giữa lúc đồng bào miền Trung bị lũ lụt nặng nề, hàng ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, nhiều người màn trời chiếu đất. Tui bàn với con gái: “Con ơi, má thương bà con mình ngoài miền Trung quá. Má được sống được như bây giờ biết bao người đã ngã xuống hi sinh. Bán căn nhà đi con. Mua gạo ủng hộ đồng bào. Má con mình tìm căn nhà nhỏ hơn cũng được”. Được con gái đồng ý, tui mua 14 tấn gạo, mì tôm và các nhu yếu phẩm khác. Tui báo cáo với thành ủy, quận ủy. Được thành ủy nhất trí và hỗ trợ xe, tui chỉ huy xe tải trực tiếp chở gạo ra miền Trung. Có người bảo “quê bà (Phú Yên-PV) cũng bị lụt sao bà không ủng hộ?”. Tui bảo các tỉnh khác nặng hơn, bà con khổ hơn thì lo trước. Sau đó, tui mua thêm 6 tấn gạo gửi cho bà con Phú Yên. Đối với đồng đội cũ xưa kia cùng chiến đấu có hoàn cảnh khó khăn, tôi tặng mỗi người một chỉ vàng bốn số chín để làm vốn hưởng già”- bà Tâm hồi tưởng lại.
Chuyện tặng quà cho lớp học giữa rừng già bà Tâm kể lại. Qua báo Sài gòn Giải phóng ngày 9-10-2015, bàbiết ở “Lớp học giữa rừng già” có những thầy cô giáo và các em học sinh đang “gồng mình” trước hạn hán kéo dài, các em học sinh thiếu áo, sách đến trường mà tác giả Đoàn Kiên ghi lại trong bài báo khiến trái tim bà lay động. “Phải làm gì đó cho các em học sinh ở đây?. Nghĩ vậy, tôi đã gọi điện cho báo Sài Gòn Giải Phóng xin gặp tác giả Đoàn Kiên để xin số điện thoại của Trường Tiểu học Phước Cát 2. Sau khi nắm được các thầy cô giáo và các cháu học sinh thiếu thốn những gì? tui mua sách vở, quần áo, nhu yếu phẩm và thuê xe chở lên Cát Tiên Lâm đồng cho các cháu”, bà Tâm chia sẻ.
Trong suốt 30 năm hành trình làm việc nghĩa, bà Tâm luôn đau đáu trong tim từ sự hi sinh của 64 liệt sĩ trong trận Gạc Ma 14-3-1988. Làm gì để sẻ chia bớt những mất mát đau thương đối với thân nhân liệt sĩ Gạc Ma khi mình còn có thể? Nghĩ là làm. Bà bắt đầu “nuôi heo đất” từ lương hưu. Mỗi tháng bà để giành hơn phân nửa số lương bỏ vào heo đất.
Ngày 23 -7-2017, bà gói 64 “bao thư” (trong mỗi bao thư có 2 triệu đồng) vượt hơn 400 km từ thành phố Hồ Chí Minh đến bán đảo Cam Ranh dự lễ khánh thành “những người nằm lại phía chân trời” với tư cách là cựu tù chính trị Côn Đảo. Chuyến đi này bà không trao được “64 bao thư” cho thân nhân các gia đình liệt sĩ Gạc Ma.... Trở về từ Cam Ranh, bà Tâm buồn vì chưa thực hiện được ý nguyện. Không nản chí, bà đã nhờ Ban chương trình xã hội Báo Tuổi trẻ nhận số tiền 128 triệu đồng (chia thành 64 bao thư, mỗi bao thư 2 triệu) gửi đến thân nhân gia đình 64 liệt sĩ Gạc Ma. “Tui chỉ muốn góp một chút nhỏ để chia sẻ nỗi đau của gia đình các liệt sĩ. Tui không làm từ thiện mà làm với nghĩa vụ và trách nhiệm của lớp người đi trước”- bà Tâm nhắc lại từ đáy lòng.
Bà Lê Thị Tâm quê gốc Phú Yên. Bà tham gia hoạt động cách mạng năm 14 tuổi trong ngành công an, sau đó làm chuyên viên cơ yếu, rồi vào quân đội. hơn 9 năm bị tù đầy ngoài Côn Đảo, 3 lần bị địch bắt đánh đập tra tấn dã man, bà vẫn giữ vững chí khí niềm tin cộng sản. Về cuộc sống đời thường, bà vẫn đau đáu một điều chăm lo cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Vì bà luôn quan niệm, bà được sống, bao đồng đội đã ngã xuống