Xã hội

Ngược Sài Khao

Thanh Tâm 10/03/2024 - 21:18

Rồi một mùa xuân nữa đã về trên đỉnh Sài Khao quanh năm mây mù bao phủ. Trên con đường gập ghềnh sỏi đá, in dấu chân hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa; những ngôi nhà bằng gỗ thấp lè tè của đồng bào Mông lúc ẩn lúc hiện trên những đỉnh núi xa mờ. Sài Khao đã có điện lưới quốc gia, mở đường cho những đổi thay nơi đây. Ở đó có những cán bộ bảo vệ cuộc sống bình yên cho các bản người Mông, các thầy cô giáo cắm bản gieo chữ nơi rẻo cao.

Dấu ấn lịch sử Sài Khao

Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) địa danh in đậm dấu ấn lịch sử, là một bức tượng đài bất tử về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược ở vùng biên giới Việt Lào. Trong bài thơ Tây Tiến nhà thơ Quang Dũng đã viết:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Bản Sài Khao quanh năm bao phủ bởi mây mù, cuộc sống của người dân như biệt lập với thế giới bên ngoài. Nơi đó có những bản của người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về sinh sống. Những tập tục văn hóa vẫn còn được lưu giữ. Bên vệ đường các nhóm phụ nữ ngồi thêu trang phục truyền thống, từng đường kim mũi chỉ tỉ mỉ thổi hồn vào từng thớ vải những hoa văn đậm đà bản sắc của dân tộc mình.

Trên con đường từ trung tâm xã vào bản, theo chân anh cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi phụ trách bản và đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý tôi được nghe kể thêm những câu chuyện thường nhật, những chi tiết rất đời thường nhưng cũng thật gần gũi. Từ đó để hiểu hơn những khó khăn, vất vả để giữ gìn sự bình yên cho những bản đồng bào Mông.

anh-1.jpg
Một góc Sài Khao

Cơn bão ma túy tràn qua những bản người Mông ở huyện Mường Lát những năm 2010 càng làm tiêu điều, xơ xác, kiệt quệ cả về kinh tế lẫn con người. “Mồ hơi rơi trên khói thuốc phiện’ là câu nói tôi còn nhớ, còn day dứt mãi. Chưa kịp ráo mồ hôi, lấy đồng tiền làm công, đã nướng cho nàng tiên nâu. Trong cuộc chiến đẩy lùi buôn bán và sử dụng ma túy có những hi sinh thầm lặng cả máu và nước mắt của cả hệ thống chính trị nơi đây. Để rồi bình yên lại trở về, những bản người Mông ở xã Mường Lý cứ lặng thầm, sống nép mình bên những sườn núi. Chẳng hiểu vì lý do gì, mỗi lần lên Mường Lát tôi cứ thế bồn chồn rồi lại lặng lẽ trầm ngâm lúc trở về.

Trong cái rét căm căm trên đỉnh Sài Khao, những đứa trẻ chân đất, đầu trần quần áo mỏng manh tha thẩn chơi, vô tư như những đóa hoa rừng trong gió lạnh. Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa, ánh mắt ngơ ngác khi nhìn thấy người lạ, nhìn thấy chiếc ô tô vào bản. Nhiều bé chưa đi học, chưa biết Kinh, không hiểu chúng tôi nói gì chỉ cười bẽn lẽn ngây thơ.

Tôi từng học và ghi nhớ trong bài thơ Tây Tiến có câu:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Đậm dấu ấn thời gian, nhuốm màu lịch sử đỉnh Sài Khao giăng giăng mây mờ, con đường đất uốn lượn quanh co trên những sườn núi, cứ ngỡ chỉ trong sách vở văn chương. Dốc lên thăm thẳm dựng đứng, tưởng chừng đã lên tới cổng trời. Nhiều đoạn đường gập gềnh khúc cua tay áo, anh em trong xe chúng tôi lại đùa nhau lỡ có sa lầy ở đây, ta vào bản nhờ trâu kéo hộ nhé, rồi cùng nhau phá lên cười giữa khoảng không tĩnh mịch của núi rừng bao la.

anh-2.jpg
Bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến ở bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát.

Có đi mới thấu hiểu những gian khổ của người lính đã từng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ Quốc, con đường hành quân xa xôi, hiểm trở trong khi cái ăn cái mặc còn chưa đủ, để rồi tạc ghi công ơn. Nhất là cảm thông nỗi vất vả hiện hữu của những người lính biên phòng, những anh cán bộ bám bản, giữ vững an ninh, cuộc sống bình yên cho đồng bào bản Mông.

Ươm mầm xanh nơi biên cương

Xe dừng lại ở đầu bản, ấn tượng đầu tiên là những bức tường đá xếp bằng tay đặc trưng của người dân tộc Mông. Tôi thắc mắc hỏi anh Phó Chủ tịch xã, có đúng làm tay thật không ạ, anh cười và nói “nếu nói về tính kiên trì, người Mông có lẽ đứng đầu, họ cứ như con kiến tha mồi, cứ thế lặng lẽ làm và rất tỉ mỉ”.

Rồi chúng tôi cùng nhau đi bộ lên điểm trường, tiếng ê a đánh vần vọng ra, tiếng thước gõ vào bảng, rồi dáng hình cần mẫn của các thầy cô giáo bám bản trong làn sương mờ dần hiện ra. Điểm trường đơn sơ vài gian phòng học, chiếc bảng phấn truyền thống nhưng chất chứa bao tình cảm, gửi gắm tâm ý của các thầy cô gieo chữ nơi rẻo cao. Để những đứa trẻ tới trường, các thầy cô kiên trì tới từng nhà vận động, nhiều em có ý định bỏ học lấy chồng thầy cô như người cha người mẹ giảng giải cho các em hiểu bằng cả tình cảm chân thành.

anh-6.jpg
Phụ nữ, trẻ em xúng xính trang phục truyền thống dân tộc Mông

Cô giáo Hà Thị Ban, ở điểm trường mầm non Sài Khao là người xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa lên đây công tác. Không quản ngại khó khăn vất vả, xa gia đình, hàng ngày cô cùng các thầy cô giáo ở điểm trường dạy chữ, dạy nề nếp cho các em bằng cả tâm sức. Chia sẻ rất thật, cô nói: “Ở đây khổ nhất có lẽ là mây mù quanh năm, nhất là mùa đông quần áo giặt cả tuần chẳng khô. Cứ chiều thứ 6 hàng tuần, dù xa cả trăm cây số đường đèo vất vả, tôi vẫn đi xe máy về thăm nhà. Vì ở đó còn có gia đình, có những đứa con thơ trông ngóng mẹ từng ngày”.

Rồi cô nghẹn lại khi nói về nói về gia đình, có lẽ không chỉ là nỗi nhớ nhà, mà nghĩ về, thấm lại những nỗi vất vả đã trải qua để can trường bám bản, đem từng con chữ tới với bản làng xa xôi, với những đứa trẻ ngây ngô chỉ biết tiếng Mông. Hành trình gieo chữ sẽ còn nhiều gian truân, đẫm nỗi vất vả nhưng bằng tình yêu nghề, yêu mảnh đất Sài Khao, các thầy cô vẫn vượt qua và hi vọng các bản người Mông ở xã Mường Lý sẽ thay da đổi thịt, cuộc sống sẽ khởi sắc mà con đường duy nhất là học.

Sài Khao chỉ mới có điện lưới quốc gia vào tháng 8 năm 2023. Trước đó, người dân chủ yếu sử dụng điện nước. Đêm đến Sài Khao tĩnh mịch trong bóng đêm, đêm mênh mang nơi góc trời biên giới, một vài chiếc đèn dầu, bóng điện chạy bằng điện nước le lói, lay lắt như những phận người nơi rẻo cao còn nhiều khó khăn. Những đêm mưa rừng đổ về, trong bóng đêm bập bùng dâng trào lên nỗi nhớ gia đình, quê hương của những cán bộ, thầy cô giáo cắm bản nơi đây. Tiếng mưa rả rích cả đêm càng như kéo dài thêm nỗi nhớ, như tiếng lòng gửi về nơi cuối nguồn quê hương.

anh-5.jpg
Phụ nữ dân tộc Mông thuê trang phục truyền thống trong ánh đèn le lói trước khi có điện lưới quốc gia.

Anh Vàng A Lề, Bí thư kiêm Trưởng bản Sài Khao hồi tưởng: Khi chưa có điện lưới quốc gia, tối đến cả bản chìm trong bóng đêm, không có điện cuộc sống khó khăn trăm bề, cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp. Quanh năm lên nương lên rẫy không đủ ăn, từ khi có điện lưới quốc gia các gia đình đã sắm nồi cơm điện, tivi, tủ lạnh, tối đến các em có đủ điện sáng để học bài.

Có điện lưới quốc gia như mở ra một trang mới trong cuộc sống của đồng bào Mông, ánh sáng của điện sẽ soi đường đưa kinh tế phát triển, soi sáng cuộc sống còn nhiều tăm tối, hủ tục nơi đây. Những đứa trẻ được tới trường có cơm ăn áo mặc đủ đầy, sống đúng với tuổi thơ của chúng.

“Năm nay bà con sẽ ăn tết to các nhà báo ạ” Câu nói dõng dạc của đồng chí Lê Hữu Chuân, Phó Chủ tịch xã. Năm nay sắn được mùa, được giá, thương lái thu mua tận bản, trả tiền tận tay người dân, nhiều hộ gia đình đã sắm xe máy đẹp. Trên những nương sắn bà con tất bật thu hoạch, trên cung đường đi qua các xã của huyện Mường Lát đâu đâu cũng thấy cảnh thu hoạch, tập kết, bốc vác sắn nhộn nhịp. Một mùa vàng bội thu đã mang tới một cái tết ấm no, đủ đầy, bữa cơm của các gia đình người Mông sẽ có thịt, chứ không chỉ là bát canh măng, tô nước lã chan cơm nữa rồi.

anh-3.jpg
Hàng rào đá đặc trưng của đồng bào Mông.

Lưu luyến trong cuộc hội ngộ ngắn ngủi, nhiều câu chuyện còn dang dở, cái bắt tay chan chứa tình cảm của Trưởng bản Vàng A Lề. Lên xe rời Sài Khao thấy bước chân mình bỗng trở nên nặng nề, mảnh đất như muốn níu giữ con người ở lại. Nhìn qua gương xe, những đứa trẻ ở điểm trường vẫn đứng đó vẫy tay chào bất chợt thấy nghẹn ngào.

Rời Sài Khao khi trời đã ngả chiều, những cánh đào nở bung khoe sắc xuân, bên hàng rào đá những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Tôi vẫn hi vọng sẽ trở lại Sài Khao một ngày gần nhất và có thể thấy những đổi thay nơi đây. Sài Khao đón chúng tôi lên bằng những đỉnh núi giăng giăng mây phủ và lúc trở về xuống núi khi bóng đã ngả chiều những tảng mây trắng xóa cứ tà tà bay lên. Sài Khao dần khuất sau làn mây mờ, nơi đó còn chất chứa bao nỗi niềm và khát khao đổi thay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngược Sài Khao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO