Tất cả các loại amiăng đều là chất gây ung thư cho người
Các chuyên gia cho biết, 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 nước sử dụng amiăng, chất gây ung thư nhiều nhất thế giới. Amiăng vẫn đang len lỏi, tồn tại khá phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là thực trạng báo động…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, sự độc hại của amiăng đối với sức khỏe con người đã được Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về ung thư có đủ bằng chứng cho thấy tất cả các dạng amiăng, trong đó có amiăng trắng đều là chất gây ung thư cho con người. Điển hình là ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, ung thư thanh quản ung thư buồng trứng, bệnh phổi amiăng...
Amiăng được sử dụng nhiều nhất ở nước ta là sản xuất tấm lợp amiăng xi măng. Ảnh minh họa |
WHO đã chỉ ra rằng, mỗi năm có hơn 100.000 người tử vong do các bệnh liên quan tới phơi nhiễm amiăng và 1,5 triệu người phải sống chung với bệnh tật do amiăng gây ra. 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng và cứ thêm 1kg amiăng được sử dụng trên bình quân đầu người một năm thì số trường hợp mắc ung thư tăng gấp 2,4 lần.
Đây là chất gây ung thư nghề nghiệp độc hại nhất với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp.
Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã cấm sử dụng amiăng xanh và nâu (năm 2004), đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng vào năm 2023 nhưng lượng amiăng được sử dụng hàng năm vẫn có khoảng 50.000-70.000 tấn, chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài. Amiăng được sử dụng nhiều nhất là sản xuất tấm lợp amiăng xi măng (95%). Trong toàn quốc có khoảng 36 cơ sở sản xuất tấm lợp với hàng nghìn công nhân lao động trong đó phần lớn tiếp xúc trực tiếp với amiăng.
“Trong hiện tại và tương lai, việc xử lý rác thải tấm fibro - xi măng có amiăng ở các địa phương còn rất khó khăn khi người dân chưa được hướng dẫn cách xử lý an toàn tránh vỡ tạo ra bụi mịn; trong khi đó để chôn lấp lại cần diện tích đất và kinh phí khá lớn, cần sự chung tay của các cấp, các ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ”, bà Phạm Kim Thoa, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, Hội nông dân tỉnh Hòa Bình chỉ rõ. |
Chia sẻ về cơ chế gây bệnh ung thư do amiăng gây ra, PGS. Sơn cho hay, khi sợi amiăng được hít vào qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi và tồn tại trong một thời gian dài do quá trình thanh thải thường thất bại. Sợi amiăng không được thanh thải sẽ gây tổn thương tế bào biểu mô dẫn tới các bệnh về phổi như bệnh bụi phổi amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10-40 năm.
ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Linh - Bệnh viện K Trung ương cũng cho biết, ung thư trung biểu mô là một bệnh hiếm gặp, xuất phát từ lớp mô phủ bên trong lồng ngực hoặc ổ bụng và một số cơ quan khác. “Tuy hiếm gặp nhưng bệnh này chiếm đến 1/2 các loại ung thư nghề nghiệp. 80% trường hợp mắc là do tiếp xúc với amiăng sau 20-30 năm. Bệnh nhân mắc thường tử vong trong vòng từ 12-21 tháng sau phát hiên”- BS. Linh cho hay.
Trước những tác hại đã được chỉ rõ của amiăng, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm mọi sản phẩm có chứa amiăng. Trên thực tế chỉ còn 35 nước sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Người dân thiếu thông tin, nhận thức về tác hại của amiăng
Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết, hầu hết các hộ gia đình ở địa phương đều lợp nhà bằng tấm fibro-xi măng vì dễ vận chuyển và giá thành rẻ, tiện lợi.
Tấm lợp fibro-xi măng được sử dụng khá phổ biến ở các vùng miền núi nước ta. Ảnh minh họa |
Hay ở các xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình, điển hình như Pà Cò, Hang Kia (huyện Mai Châu) với địa hình đất cao, nhiều núi đá tai mèo, nguồn nước tự nhiên ngày càng cạn kiện, hầu hết hải hứng nước mưa để sinh hoạt, tắm giặt. Thế nhưng, đồng bào người Mông ở đây còn sử dụng tấm lợp fibro-xi măng chiếm trên 80% nên việc lấy nước sinh hoạt từ các mái lợp này rất độc hại.
Theo bà Phạm Kim Thoa, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn, Hội nông dân tỉnh Hòa Bình, hầu hết người dân của tỉnh Hòa Bình nói chung và người dân 2 xã Pà Cò, Hang Kia nói riêng hầu như thiếu thông tin, nhận thức chung về tác hại của amiăng. Người dân hầu như chưa biết cách phòng tránh khi tiếp xúc với tấm lợp, còn tận dụng các tấm lợp cũ, vỡ để làm chuồng lợn, rào vườn, rải đường những nơi bị ổ gà cho xe đi lại...
Trước những tác hại của amiăng nguy hiểm cho sức khỏe con người, bà Thoa cho rằng, cần những chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà theo diện khó khăn tuyệt đối không sử dụng tấm lợp fibro-xi măng; đồng thời tổ chức truyền thông vận động người dân nói không với việc sử dụng các tấm lợp fibro-xi măng cũng như không sử dụng nguồn nước mưa lấy qua các tấm lợp nay.
“Cần tuyên truyền để người dân biết về tác hại của amiăng, tác hại của việc tận dụng các tấm lợp fibro-xi măng, biết cách xử lý và tiếp xúc với các dạng tấm lợp cũ này, hỗ trợ người dân thay đổi tấm lợp phù hợp với văn hóa bản sắc dân tộc”, bà Thoa kiến nghị.
“Chính phủ và các bộ ngành liên quan tìm vật liệu khác thay thế cho người dân, không gây độc hại cho sức khỏe người dân. Đồng thời, hướng dẫn người dân để chôn cất đúng cách những tấm lợp fibro xi măng mục nát, hỏng để tránh gây tác hại cho sức khỏe người dân và môi trường”, bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng khuyến nghị. |