Du lịch

Ngọc Lặc nâng cao đời sống nhờ phát triển du lịch xanh bền vững

Thanh Tâm 20/07/2023 - 11:30

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), đặc biệt bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Mường góp phần phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống thành sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng. Từ đó, hướng tới du lịch xanh, thân thiện với môi trường, giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên và cải thiện đời sống cho bà con dân tộc.      

Để hiểu thêm về định hướng phát triển du lịch xanh ở huyện Ngọc Lặc, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Ông Phạm Đình Cường - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ngọc Lặc

Phóng viên: Xin ông cho biết cơ sở để bảo tồn nhà sàn truyền thống gắn với du lịch xanh, thân thiện với môi trường ở huyện Ngọc Lặc?

Ông Phạm Đình Cường:

Huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) ngày nay được hình thành trên cơ sở một vùng đất lâu đời, nơi đây là vùng đất sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc như người Mường, người Thái, người Dao, người Kinh,… Các dân tộc miền núi huyện Ngọc Lặc với nhiều phong tục, tập quán, văn hóa khác nhau là tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng phong phú, hấp dẫn. Cùng với đó là hệ thống các danh thắng hấp dẫn với nhiều hang động, núi, đồi, thác nước còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ.

Điểm nổi bật độc đáo trong sinh hoạt thường ngày của người Mường chính là nhà sàn một nét đặc trưng trong kiến trúc truyền thống lâu đời, nhưng qua thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, sự đô thị hóa nông thôn, những ngôi nhà sàn đang bị thay thế bằng nhà bê tông, hay các vật liệu công nghiệp khác. Việc bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường đang đứng trước những khó khăn thách thức, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, cũng như tham gia của người dân.

nha-san.jpg
Làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) còn lưu giữ rất nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của người dân tộc Mường

Bảo tồn phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giới thiệu quảng bá về văn hóa và con người Ngọc Lặc. Xác định được nhiệm vụ trọng tâm đó, chính quyền huyện Ngọc Lặc đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025”

Việc xây dựng Đề án chính là cơ sở thực hiện hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch. Nhằm khai thác tiềm năng các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn của huyện.

Phóng viên: Xin ông cho biết lý do vì sao lựa chọn xã Thạch Lập là nơi thí điểm để xây dựng đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng”?

Ông Phạm Đình Cường:

Ưu tiên lựa chọn Làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) xây dựng thí điểm vì là nơi có các điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát huy bản sắc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Người Mường luôn quan niệm ngôi nhà hết sức thiêng liêng, từ trong sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” thì ngôi nhà đã gắn với lịch sử và tâm linh của người Mường bởi ngôi nhà sàn không đơn giản chỉ là chỗ ở mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục - tập quán - tín ngưỡng của người Mường, mặc dù ngôi nhà sàn đơn giản nhưng chứa đựng cả một kho tàng văn hóa lịch sử vô cùng đặc sắc mà sử thi còn lưu truyền.

Làng Lập Thắng có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống như: những dãy núi cao, có các con suối, thác nước. Đồng thời là các trò diễn dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân tộc Mường, hát ru, sắc bùa,...; con người thân thiện mến khách, đường giao thông đang được đầu tư ngày càng thuận tiện,…

doi-hich.jpg
Đồi Hích địa điểm săn mây tuyệt đẹp của du khách

Việc định hướng sang phát triển du lịch cộng đồng đã làm thay đổi ý thức người dân nơi đây. Mỗi hộ gia đình đã chủ động tích cực thay đổi diện mạo môi trường cảnh quan làng, xóm như lắp điện chiếu sáng, sử dụng nước sạch, làm vệ sinh môi trường,…; giữ gìn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực. Người dân đã không còn tư tưởng chông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà bắt đầu tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Xây dựng khu du lịch cộng đồng tại Làng Lập Thắng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường là rất cần thiết. Từ đó, khai thác những tiềm năng du lịch đã có sẵn tại địa phương tạo thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Xã Lập Thạch được bao quanh những dãy núi cao, với hệ sinh thái rừng đa dạng, cùng với đó là một có số hang động độc đáo, nguyên sơ. Tiêu biểu nhất là Hang Gió mới được phát hiện nên còn nguyên sơ chưa chịu tác động lớn của con người.

Ngoài ra thiên nhiên còn ban tặng cho Làng Lập Thắng nói riêng và trên vùng đất xã Thạch Lập nói chung một hệ thống cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với: Đồi Hích (Làng Hoa Sơn) có độ cao 850 m so với mặt nước biển; Thác Cha (Làng Thuận Sơn) độ sâu 3 - 4 m, nơi đây thác nước để tắm và bơi lội; Hang Quăn (Làng Đô Quăn) hang rộng khoảng 1.500m2 , độ sâu khoảng 4 - 5m, có nước bên trong có thể kết hợp tắm và du thuyền ngắm cảnh trong hang. Ngoài ra còn có các ruộng bậc thang thấp tất cả các điều kiện thuận lợi này tạo nên sự đa dạng phong phú về điểm đến cho khách du kịch tham quan trải nghiệm.

hang-dong.jpg
Hang gió với vẻ đẹp hoang sơ vừa được phát hiện

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn Làng Lập Thắng có 118 nhà sàn/141 hộ dân, trong đó có khoảng gần 80 nhà sàn có thể cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu hoạt động du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó kho tàng ẩm thực người Mường nơi đây rất phong phú đa dạng, với các món ăn dân dã với nguyên liệu là những thứ xung quanh cuộc sống hàng ngày người dân, nhưng với sự khéo léo kết hợp các gia vị đã tạo nên ẩm thực rất đặc trưng người Mường.

Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu của việc xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng”?

Ông Phạm Đình Cường:

Việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025” sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ. Tạo sự phát triển đột phá trong tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất, dịch vụ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.

san-may.jpg
Du khách thỏa sức hòa mình với thiên nhiên hoang sơ ở xã Thạch Lập

Đồng thời góp phần giải phóng sức lao động, tạo nguồn lực trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là tạo ra sản phẩm cụ thể phục vụ chiến lược phát triển du lịch của huyện, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Hoàn thiện hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật tại điểm du lịch cộng đồng, tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch, văn hóa phục vụ nhân dân, phục vụ du khách, tạo thêm những nguồn thu ngân sách phục vụ yêu cầu phát triển chung của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống cho người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọc Lặc nâng cao đời sống nhờ phát triển du lịch xanh bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO