Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa

12/01/2019 16:07

(TN&MT) - Ngày 12/01, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Nghiên cứu và truyền thông về quần đảo Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay” do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức.

1. Nhiều tư liệu về Hoàng Sa đã được sưu tầm và trưng bày tại nhà Trưng bày Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng
Nhiều tư liệu về Hoàng Sa đã được sưu tầm và trưng bày tại nhà Trưng bày Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng

Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề chính: Những nội dung cơ bản liên quan đến chiến lược biển, đảo Việt Nam; tiếp tục công bố những nghiên cứu, tư liệu mới liên quan đến quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa; nghiên cứu thực trạng và các giải pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay.

Ban tổ chức đã nhận được 25 bài tham luận và phụ lục tư liệu của các tác giả là các nhà khoa học trong và ngoài thành phố Đà Nẵng. Trong đó, những nội dung liên quan đến chiến lược biển, đảo Việt Nam có 3 tham luận: chiến lược biển đảo Việt Nam ở thế kỷ XXI; chính sách hợp tác quốc tế về biển; các vấn đề sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế trong giải pháp pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay.

Ở nội dung các nghiên cứu, tư liệu mới liên quan đến lịch sử khai phá, xác lập củ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng cũng đã ghi nhận nhiều đóng góp mới tại hội thảo. Đáng chú ý là công bố thêm các tư liệu liên quan đến Hoàng Sa như công bố tư liệu “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” mới phát hiện tại Nhật Bản có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là sử liệu góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi xa của quần đảo Hoàng Sa, không phải dải cát ven bờ.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng đã đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương
Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng đã đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương

Những nghiên cứu về Biển Đông nói chung tương đối nhiều, tư liệu Hoàng Sa cũng phong phú nhưng việc truyền thông giáo dục về Hoàng Sa vẫn chưa thiết thực, hiệu quả đối với nhiều đối tượng khác nhau. Các tham luận tại hội thảo đã nhìn nhận thực trạng và bước đầu đề xuất để sắp đến thực hiện truyền thông, giáo dục hiệu quả hơn.

Thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền giáo dục về biển đảo. Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa Hoàng Sa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương; Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa. UBND huyện Hoàng Sa đã phối hợp tổ chức sưu tầm, tiếp nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu về Hoàng Sa và tiến hành xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Hội thảo lần này sẽ góp thêm một bước tiến mới trong việc nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO