Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết: “Các hồ, ao, sông nhỏ ở Hà Nội là tài sản môi trường quý giá của Thủ đô. Quản lý tài sản môi trường này đòi hỏi cách tiếp cận tích hợp, kết hợp giữa bảo tồn, kỹ thuật, sự tham gia của các bên cộng đồng, doanh nghiệp, truyền thông, các nhà khoa học. Vì thế, rất cần các chính sách thúc đẩy sự tham gia hiệu quả hơn”.
Theo kết quả nghiên cứu của cuốn sách, trong 5 năm qua, số lượng ao, hồ đã được kè toàn phần và kè một phần có xu hướng tăng, số ao hồ chưa kè giảm mạnh; cảnh quan, môi trường bờ của các ao, hồ đã kè toàn phần, kè một phần và chưa kè đã có sự cải thiện, số hồ được đánh giá là sạch cũng tăng mạnh, số hồ được đánh giá là rất bẩn có xu hướng giảm. Chất lượng nước của các ao, hồ đã có sự cải thiện tốt hơn, số hồ ô nhiễm nặng và ô nhiễm rất nặng đang có xu hướng giảm dần.
Đặc biệt, cuốn sách cũng cho độc giả nhận thấy rõ hoạt động của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy tham gia công tác bảo vệ hồ đã hình thành rõ nét và lan rộng, với sự tiên phong của các hội phụ nữ cấp cơ sở và thanh niên, sinh viên.
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phát biểu tại buổi lễ |
Tuy nhiên, hồ Hà Nội cũng còn một số tồn tại, đó là, số lượng và diện tích mặt nước hồ có xu hướng giảm. Cụ thể về số lượng hồ, từ năm 2010 - 2015, có 17 hồ đã bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Như vậy, tổng số lượng ao, hồ Hà Nội trong năm 2015 là 112, giảm 10 hồ so với năm 2010. Về diện tích mặt nước hồ: tổng diện tích nước mặt hồ năm 2015 là gần 9 triệu m2, giảm gần 73.000 m2 so với năm 2010. Đặc biệt nhiều hồ hiện nay vẫn được sử dụng cho mục đích khai thác kinh tế bằng việc nuôi cá, hoặc trồng rau và giữ chức năng thoát nước. Chính sự phân cấp chức năng hồ không rõ ràng trên dẫn đến nhiều hồ bị xuống cấp và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Trên cơ sở phân tích các bất cập và khó khăn trong công tác quản lý hồ, từ những điển hình và hoạt động cộng đồng, Báo cáo cũng đã đưa ra 10 khuyến nghị cụ thể. Theo đó, để có thể quản lý hồ Hà Nội một cách tốt nhất và đảm bảo cho hệ sinh thái hồ khỏe mạnh, cần phải phân rõ ranh giới diện tích mỗi hồ, xác định rõ chức năng của mỗi hồ và quản lý dựa trên các chức năng đó, đặc biệt nên cân nhắc loại bỏ chức năng nuôi cá phục vụ mục đích kinh tế. Đồng thời, cần phải thúc đẩy công tác truyền thông, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân Hà Nội về công tác bảo vệ môi trường hồ và xây dựng văn hóa môi trường cho Hà Nội dựa trên các hoạt động của cộng đồng cũng là một khuyến nghị được đưa ra trong Báo cáo này.
Cuốn sách bao gồm 4 phần chính: Phần 1 tóm tắt thông tin về cách tiếp cận và phương pháp thực hiện báo cáo; Phần 2 là các thông tin về hiện trạng hồ Hà Nội 2015; Phần 3 - các thông tin chi tiết về hiện trạng 30 hồ có nhiều sự thay đổi nhất trong 5 năm qua; Phần 4 là kết quả nghiên cứu các chính sách, biện pháp quản lý hồ và một số hoạt động thực tiễn của cộng đồng bảo vệ hồ Hà Nội 2010 – 2015. |
Mai Đan