Nghiên cứu khởi động lại dự án điện hạt nhân trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và cân bằng CO2 theo các cam kết tại COP26 và COP28, chuyển đổi xanh trong cơ cấu nguồn điện là rất cần thiết. Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh, giúp cân bằng nguồn cung năng lượng.
Đó là trả lời của lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 trước câu hỏi của báo giới về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân.
Tại buổi họp báo do Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh chủ trì, đại diện Bộ KH&CN thông tin về các hoạt động của bộ trong quý III/2024, phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Trả lời câu hỏi về quan điểm của Bộ KH&CN trong việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết, trong trường hợp khởi động lại các dự án điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng.
Điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới.
Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam được thể hiện trong bối cảnh các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và cam kết giảm phát thải carbon, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo ông Phạm Quang Minh, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Như vậy, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Để phát triển điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất rất quan trọng.
Phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước; cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường lên tầm cao mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp nền tảng để phát triển đất nước (cơ khí chế tạo, đo lường, tự động điều khiển, công nghệ hóa học, vật liệu thép luyện kim...).
"Vì vậy, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thấy rằng, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay" - Ông Phạm Quang Minh nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, trong quý III/2024, Bộ KH&CN đã ban hành Khung chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 và bộ Tài liệu hướng dẫn cho các địa phương về PII năm 2024. Tổ chức Hội thảo hướng dẫn thu thập và cung cấp cơ sở dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2024. Dự kiến Chỉ số PII 2024 sẽ được công bố vào cuối năm 2024.
Thời gian tới, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện các dự án luật chuyên ngành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đến năm 2025 và 2030, cùng với các chương trình ứng dụng công nghệ tại địa phương...