PGS. TS Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự hội thảo còn có các giảng viên, đại diện các phòng, ban, trung tâm; các khoa, bộ môn của Trường Đại học TN&MT Hà Nội; đại diện Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường. Trường Đại học TN&MT TP. HCM tham gia trực tuyến.
PGS. TS Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Công tác nghiên cứu khoa học hiện đang được xem là một “mắt xích” quan trọng không thể thiếu được trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Hiện nay, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ song hành của từng giảng viên ở mỗi trường đại học.
Nâng cao chất lượng dạy và học ở các Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng đó, nghiên cứu khoa học là một trong những giải pháp ưu tiên và quan trọng giúp nâng cao năng lực, chất lượng dạy và học ở các trường Đại học.
Hiện nay các kết quả nghiên cứu khoa học do cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường thực hiện đã và đang được ứng dụng tích cực vào trong công tác đào tạo, giảng dạy tại Nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học tại trường. Tính đến hết tháng 12/2020, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã và đang triển khai là 140 đề tài các cấp. Năm 2020 đã có 1 đề tài NCKH sinh viên đạt Giải 3 giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, 1 nhóm sinh viên đạt giải ba giải thưởng sinh viên nghiên cứu Khoa học Ereka do thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. T
Theo PGS.TS Phạm Quý Nhân, trường Đại học TN&MT là các đơn vị có tiềm lực nghiên cứu mạnh về vấn đề môi trường, việc ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, đặc biệt nghiên cứu khoa học ưu tiên trong vấn đề bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng giúp đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy và học tập về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.
Hội thảo đã được nghe 8 báo cáo tham luận của các đại biểu là các Phó giáo sư, tiến sĩ của các trường tham gia Hội thảo. Các bài tham luận xoay quanh việc áp dụng các mô hình môi trường, nghiên cứu công nghệ cải thiện môi trường cũng như các phương pháp dạy học áp dụng công nghệ thông tin nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học trong chương trình đào tạo Đại học… Các đại biểu đã bàn luận sôi nổi, nhiệt tình để hiểu rõ vấn đề và tìm ra ý nghĩa, giải pháp.