Nghiên cứu, đánh giá độ phân hủy của túi ni-lông

13/07/2019 10:01

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và chứng minh khả năng phân hủy rất khác nhau của các túi ni-lông hiện có trên thị trường Việt Nam. Đây là cơ sở để thiết kế quy trình công nghệ xử lý chất thải là ni-lông, nhựa, giúp người dân biết khả năng phân hủy của sản phẩm ni-lông, nhựa và định hướng cho cơ quan quản lý để bảo vệ môi trường.

7c1b3599bfaf8296fa92a3aad7199acc
Xử lý rác ở Hợp tác xã xử lý rác tại nguồn Thành Vinh (Hải Phòng). Ảnh: NGÔ HÀ

Trong hai năm 2016, 2017, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ sinh học) và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Đánh giá khả năng phân hủy của các polymer phân hủy sinh học hiện có ở Việt Nam trong các điều kiện xử lý khác nhau”. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các mẫu túi ni-lông được quảng cáo là có khả năng phân hủy sinh học trên thị trường trong nước và nước ngoài, gồm: túi ni-lông của Hà Lan, Đức đã được cấp chứng chỉ phân hủy sinh học, có khả năng ủ làm phân hữu cơ; túi từ đề tài nghiên cứu của Viện Hóa học; túi tại các siêu thị được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường, được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu và túi có nguồn gốc dầu mỏ đang được dùng phổ biến hằng ngày tại Việt Nam.

Để xác định khả năng phân hủy sinh học của những loại túi nêu trên, các nhà khoa học đã sử dụng đa dạng phương pháp kỹ thuật hiện đại, như: sinh học, di truyền, thay đổi cấu trúc hóa học, vật lý... Nhóm nghiên cứu đã thiết kế nhiều lô thí nghiệm với nhiều tác nhân sinh học và vật lý để thử mức độ phân hủy của mẫu, như: sử dụng dịch chiết của bốn chủng nấm đảm; sử dụng các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn ưa nhiệt được phân lập từ phân hữu cơ làm bằng phụ phế liệu nông nghiệp; sử dụng điều kiện hiếu khí, kỵ khí hay kết hợp cả hiếu khí và kỵ khí; nhiệt độ, độ ẩm tương đồng với môi trường tự nhiên của vùng nhiệt đới từ 10°C đến 60°C; tác dụng tia tử ngoại... Kết quả cho thấy, trong điều kiện thí nghiệm, túi của Hà Lan, Đức đã bị phân hủy mạnh nhất bởi tất cả các tác nhân, trong đó quan trọng nhất là thay đổi cấu trúc hóa học và khối lượng phân tử trung bình, tổn hao khối lượng (45 đến 46% sau 14 tháng do tác nhân vật lý, và 91% sau 1 tháng do tác nhân sinh học). Túi là sản phẩm nghiên cứu của Viện Hóa học có khả năng phân hủy sinh học đứng thứ hai (12 đến 15% đối với tác nhân vật lý sau 14 tháng). Còn các loại túi tại các siêu thị được công bố là được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường, được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu và túi có nguồn gốc dầu mỏ khả năng phân hủy sinh học rất thấp (chỉ 4,7 đến 6% khối lượng sau 14 tháng). Các chất hình thành sau phân hủy các túi khác nhau. Theo các nhà khoa học, kết quả này cho thấy, việc dán nhãn, công bố túi có khả năng phân hủy sinh học là chưa chính xác, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà, chủ nhiệm đề tài cho biết, trước đây, doanh nghiệp sản xuất bao bì có thể chưa biết, nhưng qua kết quả nghiên cứu này, các doanh nghiệp cần nghiêm túc đưa sản phẩm túi ni-lông của mình đi phân tích, đánh giá các tính chất, đặc tính để viết thông tin trên bao bì đúng mức. Từ đó, người tiêu dùng có thông tin chính xác khi sử dụng sản phẩm và cơ quan xử lý rác có phương pháp xử lý rác thải nhựa, ni-lông phù hợp, hiệu quả. Điều đáng mừng là, ngay sau khi kết quả được công bố, một số doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông đã tìm đến các nhà khoa học, nhờ giúp đỡ để xác định túi ni-lông đang sản xuất có khả năng phân hủy hay không.

Về định hướng nghiên cứu và quản lý, các nhà khoa học đề nghị, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ cần cho nghiên cứu tiếp để tìm kiếm mới vật liệu di truyền từ Việt Nam (là vi sinh vật) và sử dụng các tác nhân mà đề tài đã chứng minh để tạo công nghệ hướng tới xử lý rác thải nhựa, chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học. Các chế phẩm mà đề tài đã tạo ra cần được cho phép thử nghiệm xử lý rác thải nhựa, chất dẻo ở quy mô lớn dần. Các đơn vị có thẩm quyền quản lý lĩnh vực rác thải, trong đó có rác thải sinh hoạt cần chủ động đề nghị Nhà nước đầu tư phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn để đánh giá và cho phép các loại nhựa, chất dẻo nào được sử dụng làm vật liệu phân hủy sinh học, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu, đánh giá độ phân hủy của túi ni-lông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO