Nghiêm khắc xử phạt hành vi không sử dụng đất nông nghiệp

Báo TN&MT| 23/06/2021 16:05

(TN&MT) - Cử tri tỉnh Hải Dương đã gửi kiến nghị đến Bộ TN&MT phản ánh về tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp không canh tác trong thời gian dài dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Cùng với đó, cử tri đề nghị Bộ tiếp tục đưa ra các chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng. Đồng thời, cần có những chính sách đột phá về tích tụ ruộng đất, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và thu nhập của người nông dân cũng như tạo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.

Về vấn đề này, Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khẳng định, pháp luật đất đai hiện hành đã có các quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với việc không sử dụng đất nông nghiệp.

Trong đó, phải kể đến quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai 2013. Theo quy định này, nhà nước sẽ thu hồi đất đối với các trường hợp như: đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.

Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, hành vi không sử dụng đất liên tục bị phạt tới 20 triệu đồng

Ngoài ra, tại Điều 32 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đã đưa ra các mức phạt hành chính đối với hành vi lãng phí, không sử dụng đất. Theo đó, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5 héc ta; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5 héc ta đến dưới 3 héc ta; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 3 héc ta đến dưới 10 héc ta; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 héc ta trở lên.

Ngoài mức phạt trên, cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Diểm h Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.

 Về cơ chế để tập trung, tích tụ đất đai, Bộ TN&MT đã tổng kết, đánh giá và có báo cáo đề xuất với Trung ương trong quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI. Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về chủ trương mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp mà hiện nay Luật Đất đai năm 2013 đang quy định như ý kiến cử tri đã nêu.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 4/8/2020 về việc thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, vấn đề cử tri nêu sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm khắc xử phạt hành vi không sử dụng đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO