Huy động các kênh truyền hình hỗ trợ giảng dạy trực tuyến
Được biết, đến nay tại Việt Nam đã có một số địa phương như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, TP.HCM… lên kế hoạch tổ chức ôn tập kiến thức qua truyền hình cho học sinh trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, một số thành phố lớn trên cả nước, nhà trường cũng đã tổ chức dạy học trực tuyến để duy trì việc học tập, ôn bài cho học sinh trong thời gian này.
Tuy nhiên, phương pháp dạy học trực tuyến mới chỉ được áp dụng tại một số trường riêng lẻ, đặc biệt là khối các trường tư thục, chưa được áp dụng phổ biến tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lý giải về điều này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, Ipad… để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà.
Một phương pháp khác có thể thay thế dạy học trực tuyến được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề cập đến là dạy học trên truyền hình cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học, trước mắt là cho khối phổ thông.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường |
“Trước đây, chúng ta đã từng thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì tuy rằng thời gian không nhiều. Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình hiện đại từ trung ương đến địa phương là lợi thế để triển khai dạy học trên truyền hình. Vì thế, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận…” - Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Giải thích rõ về phương pháp dạy học qua truyền hình, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: Khi các kênh truyền hình cùng tham gia cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. Các sở GD&ĐT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình.
Học sinh ở nhà hoặc vài ba em học chung một lớp cùng ngồi học trực tuyến, bên cạnh có phụ huynh quản lý, theo dõi. Việc theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm, chủ yếu qua mạng thông tin truyền thông quốc gia.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: Phương án dạy học qua truyền hình mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đưa ra trong tiến trình dạy học có một số nhược điểm như khả năng giao tiếp, phối hợp hoạt động của nhà trường với phương thức dạy học khác. Tuy nhiên, vấn đề chủ chốt là truyền đạt giữa thầy, cô với người học ở trên lớp được giải quyết bằng việc thay vì phải đến lớp nghe thầy, cô giảng thì thầy, cô giảng qua truyền hình. Khó khăn này lại chính là lợi thế cho ngành giáo dục Việt Nam bởi hệ thống truyền hình hiện nay của nước ta rất mạnh và an toàn.
Nên áp dụng học qua truyền hình trong cả thời dịch Covid-19 và tương lai
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc áp dụng hệ thống dạy học qua truyền hình đối với các trường phổ thông hiện nay đảm bảo có độ khả thi cao với cơ sở vật chất rất phong phú và hàng trăm kênh truyền hình khác nhau.
“Hơn nữa người học có thể học qua ti vi chứ không bắt buộc phải học qua máy tính, điện thoại thông minh hay Ipad như học trực tuyến. Trong khi đó, ti vi có giá thành tương đối rẻ và được trang bị đại trà, mạng lưới phủ sóng rộng khắp nên dễ dàng tận dụng được hệ thống truyền hình của cả nước. Vì thế, học qua truyền hình là giải pháp hữu hiệu và khả thi nhất không những trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay mà cả trong tương lai” – Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định.
Về ưu điểm của phương pháp dạy học qua truyền hình, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: Học qua truyền hình là phương pháp vừa đảm bảo chương trình học vừa giải quyết được vấn đề tập trung đông người - nỗi lo lớn nhất của phụ huynh hiện nay khi học sinh trở lại trường.
Việc áp dụng hệ thống dạy học qua truyền hình đối với các trường phổ thông hiện nay đảm bảo có độ khả thi cao |
Hơn nữa, đối với cấp Trung học phổ thông cả nước có 12 môn học nên có thể huy động các thầy, cô giỏi nhất để giảng bài qua truyền hình. Thầy, cô có thể giảng trước máy quay và thâu lại, sau đó phát trên truyền hình, có thể phát đi phát lại hoặc thu và lưu vào USB để học sinh có thể nghe đi nghe lại bài học. Trong khi đó, dạy học trên lớp thì chỉ nghe trực tiếp một lần và học sinh không thể nghe lại.
Dạy học qua truyền hình không quá cầu kỳ hay phức tạp như nhiều người nghĩ. Thay vì giảng bài trước lớp thì thầy, cô thâu bài giảng và phát lên. Việc tương tác, đối đáp giữa người dạy và người học trên lớp được thay bằng sự trợ giúp của giáo viên bộ môn của các trường tổ chức học qua truyền hình.
“Tuy nhiên, khi áp dụng giảng dạy đại trà trên truyền hình thì bắt buộc các đài truyền hình phải rút bớt thời lượng dành cho những chương trình khác đi, chẳng hạn như các chương trình chuyên khảo, giải trí… Song với tinh thần “chống dịch như chống giặc” việc rút bớt đó là cần thiết vì đây là lúc cần ưu tiên cho việc học của học sinh, sinh viên hơn cả” - Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Vì lợi ích của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam, ngày 20/2 vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có công văn số 04/HH-VP gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiến nghị giải pháp cho HS-SV được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong mùa dịch Covid-19. Trong công văn này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng ủng hộ và chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin Truyền thông, Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng phối hợp khẩn trương triển khai chuyển sang áp dụng đại trà phương thức dạy học trên truyền hình ở quy mô toàn quốc mà không dùng giải pháp nghỉ học dài ngày trong mùa dịch Covid - 19 này (cũng như trong các đợt thiên tai dịch họa khác nếu có). |