Nghệ An: Xã tắc trách, người dân mất trắng tiền hỗ trợ dự án

23/05/2019 23:27

(TN&MT) - Ba hộ nông dân tại xã Bài Sơn làm mô hình thí điểm nuôi cá da trơn theo chủ trương của nhà nước. Sau khi làm mô hình thí điểm thành công thì tiền hỗ trợ dự án của người dân không đượcnhận. Nguyên nhân do sự tắc trách của chính quyền địa phương khiến người dân bức xúc.

Theo phản ánh của 3 hộ dân xã Bài Sơn (huyện Đô Lương) đầu năm 2018, theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã có triển khai làm mô hình nuôi cá da trơn cho người dân với mỗi mô hình sẽ được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng.
 

Người dân dẫn PV ra xem khu vực nuôi cá theo dự án hỗ trợ
Người dân dẫn PV ra xem khu vực nuôi cá theo dự án hỗ trợ

Nắm được thông tin đó, hộ ông Phạm Xuân Khuyến, ở xóm Đông Sơn; ông Lê Đình Ngọc, ở xóm Liên Sơn; ông Trần Ngọc Thạn, ở xóm Hương Sơn đang canh tác ở khu vực Làng Trại đã trực tiếp ra UBND xã Bài Sơn đăng ký xây dựng mô hình nuôi cá da trơn.  Nhưng năm lần bảy lượt, UBND xã Bài Sơn vẫn không cho. Mãi đến tháng 10/2018, khi có sự chỉ đạo của UBND huyện Đô Lương thì xã Bài Sơn mới đồng ý để các hộ triển khai.
Tuy nhiên, xã không trực tiếp làm chủ đầu tư như huyện chỉ đạo mà giao lại cho các hộ tự làm và phân công ông Nguyễn Đức Hà là cán bộ nông nghiệp làm việc với các hộ. Cả 3 hộ dân đã tự bỏ tiền để cải tạo ao, mua con giống, thức ăn để thực hiện dự án này. Do không quen việc nên trong quá trình triển khai ông Hà và các hộ dân đã phải làm đi làm lại tất cả các khâu mất nhiều thời gian, chi phí và gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ đã trình bày sự việc với xã nhưng chính quyền không giúp các hộ nên họ phải thuê người làm hồ sơ dự án.

Ông Trần Ngọc Thạn, cho biết: “Với 5 sào ao, khi thực hiện dự án tôi đầu tư lên tới 200 triệu đồng nhưng đến nay không nhận được tiền hỗ trợ từ dự án”.

Còn ông Phạm Xuân Khuyến, bộc bạch: “Khi làm dự án ông rất tin tưởng sẽ thu được hiệu quả vì trước đó ông có nuôi thử 200 con trong ao nhỏ, thấy cá phát triển tốt. Sau khi có dự án, tôi đầu tư nuôi cá da trơn cả 4 sào ao. Nay cá lớn, sức tiêu thụ thức ăn tăng lên nhưng tiền hỗ trợ không có nên tôi đã phải “chạy ăn từng bữa” cho cá”.
 

Người dân đầu tư nhiều tiền của vào ao nuôi cá nhưng không được hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn dân tới bức xúc
Người dân đầu tư nhiều tiền của vào ao nuôi cá nhưng không được hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn dân tới bức xúc

Khi chúng tôi tiếp xúc với các hộ dân, họ còn giãi bày nỗi khổ của người nông dân “tự bơi” khi làm xong hồ sơ và xin phê duyệt. Khi các hộ đưa hồ sơ cho ông Đào Anh Dũng là công chức kế toán UBND xã Bài Sơn để duyệt hồ sơ ở địa phương thì ông Dũng không chịu ký xác nhận. Các hộ đã phải nhờ nhiều lần ông Dũng mới chịu ký nhưng không trực tiếp mang hồ sơ đi duyệt ở huyện mà bỏ mặc cho các hộ tự đi. Cuối năm 2018, sau khi các hộ đi duyệt hồ sơ ở huyện xong, họ mang về nhờ kế toán xã ra kho bạc để làm thủ tục rút tiền nhưng nhưng ông Dũng không làm. Đến tháng 1/2019, các hộ hỏi thì ông Dũng nói hồ sơ của các hộ làm sai. Không tin lời kế toán, những người dân làm dự án đã trực tiếp ra kho bạc huyện Đô Lương thì mới biết do kế toán xã không nhập nguồn vào nên tiền dự án của các hộ không có trong dự toán.

Ông Thạn, bức xúc: “Chúng tôi đã hoàn thành dự án 100% trước thời hạn nhưng không lấy được tiền là do ông Dũng kế toán không nhập nguồn làm mất tiền dự án của chúng tôi. Các hộ đã làm đơn kiến nghị UBND huyện Đô Lương nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Chúng tôi làm đơn để vạch trần sự thờ ơ, tắc trách bỏ mặc người dân tự mày mò của ông Đào Anh Dũng kế toán xã và cả Ban quản lý dự án xã Bài Sơn. Chứ tiền do không “tiêu” được nên đã chảy về ngân sách trung ương, thiệt thòi đâu là người dân chúng tôi chịu”.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết, mức hỗ trợ dự án nuôi cá da trơn thương phẩm của địa phương có tổng giá trị gần 150 triệu đồng từ nguồn ngân sách xây dựng nông thôn mới của Trung ương. Từ đầu năm 2018, nắm bắt được thông tin, một số hộ kiến nghị làm mô hình nhưng xã không đồng ý. Quan điểm lúc đầu của UBND xã khi xây dựng mô hình là đầu tư vào số ít hộ dân sẽ không hiệu quả bằng cho tập thể nên xã muốn làm một công trình thủy lợi sẽ có lợi ích cộng đồng nhiều hơn.

“Nguyện vọng của xã là thế nhưng UBND huyện không chấp nhận việc lấy tiền làm mô hình vào xây dựng công trình. Do đó, mãi đến gần tháng 9/2018, mới triển khai mô hình cho các hộ nên làm vội vàng, quy trình làm dự án cũng chưa chặt chẽ. Hồ sơ làm đi làm lại nhiều lần mãi đến tháng 12/2018 mới xong. Sau đó, đưa hồ sơ ra nhưng kho bạc không chấp nhận và nguồn tiền dự án đã phải trả về cho Trung ương. Hiện, hồ sơ đã làm xong, người dân đã tự bỏ tiền đầu tư vào dự án, mọi chuyện rất phức tạp, xã cũng đang tìm giải pháp để giải quyết hỗ trợ giảm một phần khó khăn cho các hộ tham gia dự án. Đây là dự án mới, mặc dù kế toán đã làm nhiều năm, nhưng do mới quá nên chưa nắm chắc quy định. Xã đã làm việc với các hộ để bàn bạc, chia sẻ khó khăn và đã báo cáo với huyện” - Ông Quang thông tin thêm.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, tiền dự án đã trả lại cho Trung ương, hiện người dân đã bỏ tiền làm dự án, huyện đang cố gắng tìm cách để hỗ trợ giảm bớt thiệt thòi cho các hộ dân. Huyện đang làm quy trình để xử lý kỷ luật người có liên quan, cá nhân nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, kỷ luật xong, yêu cầu những cá nhân gây thiệt hại phải đề bù cho dân. Khi nào có kết quả xử lý, huyện sẽ thông tin cụ thể.

Từ một chủ trương đúng đắn nhưng chỉ vì lỗi cá nhân cùng với sự thờ ơ, tắc trách của chính quyền địa phương đã đẩy ngươi dân tiên phong làm dự án điểm lâm vào cảnh mất trắng tiền hỗ trợ là điều khó có thể chấp nhận được.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Xã tắc trách, người dân mất trắng tiền hỗ trợ dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO