Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Quân khu 4; lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các thành phố và tỉnh bạn.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm" với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm tiếng Việt, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới. Bà là con ông Hồ Phi Diễn, thuộc dòng dõi họ Hồ Phi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu - dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao, là những bậc trí thức đương thời.
Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến như “Bà chúa thơ Nôm”. Bà để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập “Lưu Hương ký” (với 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm) cùng khoảng 100 bài thơ khác theo phong cách dân gian, phóng túng, thể hiện sự đặc sắc, phong phú của tiếng Việt. Thơ Hồ Xuân Hương được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều nhà thơ lớn nước ngoài ngợi ca bà là một trong những nữ sĩ hàng đầu châu Á, nhà thơ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới. Thơ bà là tiếng nói đấu tranh cho khát vọng sống của con người, đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng nam - nữ…
Với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính quốc tế và vượt tầm thời đại, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng khác nhau. Đặc biệt, qua thơ bà có thể nhận thấy thấm thía tình đất, tình người, sự bao dung, tính ngay thẳng đượm chút bất cần của người dân đất Nghệ và khí chất Nghệ An. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong 6 danh nhân được UNESCO vinh danh cùng với Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu.
Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9 – 24/11/2021 tại Paris, Pháp) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023. Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được thông qua.
Tại lễ vinh danh và kỷ niệm, ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Nghị quyết vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho tỉnh Nghệ An. Vinh dự lớn lao này cũng là niềm vui chung của cả nước, mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, được UNESCO vinh danh. Quê hương bà ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là vùng đất có nhiều nhân tài lừng danh thiên hạ. Còn bà được sinh ra, lớn lên tại Thăng Long, nơi hội tụ tinh hoa muôn phương. Chính những điều đó đã hun đúc trong bà những tư chất đặc biệt, được bồi đắp những lớp “phù sa” văn hoá.
Chủ tịch nước đánh giá, Hồ Xuân Hương là bậc nữ sĩ kỳ tài, là một hiện tượng đặc sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.
Ngay sau những phát biểu quan trọng là Chương trình Nghệ thuật nhạc kịch “Ví đây đổi phận làm trai được” - điểm nhấn trong Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Quảng trường Hồ Chí Minh.