Nghệ An quản lý tài nguyên khoáng sản: Siết chặt khai thác vượt công suất

Phạm Tuân| 09/03/2023 10:47

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo rất quyết liệt nhằm kiểm soát các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát, sỏi dưới lòng sông. Theo đó, tỉnh Nghệ An đã xử phạt, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một số mỏ khai thác vượt công suất.

Xử phạt, đình chỉ một số mỏ khai thác vượt công suất

Cụ thể, tại huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An vừa xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành vì hành vi khai thác cát vượt công suất. Đây là một trong những hợp tác xã có nhiều xà lan khai thác cát nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hợp tác xã này hiện có 53 xà lan, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua các xã Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc… Điều đáng lo ngại là hợp tác xã này đã khai thác vượt mức cho phép trong suốt 2 năm nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không phát hiện ra.

11-1-.jpg

Một khu vực mỏ khai thác đá trắng tại xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp)

Gần đây, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vào cuộc kiểm tra thực tế, đồng thời, đối chiếu với hóa đơn thuế, mới phát hiện trong năm 2020, hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành đã khai thác vượt 80,8% công suất cho phép, năm 2021 vượt 171,6% công suất được phép khai thác hàng năm.

Tại huyện Thanh Chương, Công ty CP Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương đã khai thác cát vượt mức cho phép 211,2% trong năm 2020, năm 2021, công ty này vượt 208,6% công suất được phép khai thác hàng năm. Công ty này sau đó cũng đã bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng.

Cũng như hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành, Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương là “ông lớn” trong lĩnh vực khai thác cát. Công ty này được cấp phép 3 mỏ trên sông Lam đoạn qua các xã Võ Liệt, Thanh Chi và Đồng Văn. Ngoài ra, toàn bộ 15 bến bãi tập kết kinh doanh cát sỏi trên địa bàn huyện Thanh Chương đều thuộc sở hữu của công ty này.

Không chỉ huyện Nam Đàn và Thanh Chương, tại huyện Đô Lương gần đây cũng xảy ra tình trạng khai thác cát vượt mức cho phép. Cụ thể, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên 300 triệu đồng vì hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản. Công ty này được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn từ xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tới xã Cát Văn, huyện Thanh Chương. Công suất được phép khai thác cát hàng năm của công ty này là 23.920m3.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty đã khai thác 30.751,5m3, vượt 28,5% công suất, khối lượng vượt là 6.831m3. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh cũng buộc Công ty TNHH Hoàng Nguyên phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.

Tăng cường kiểm soát

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, trên địa bàn huyện có 8 khu vực mỏ được cấp phép khai thác cát, sỏi. Trong đó, có 4 mỏ của Công ty TNHH Hoàng Nguyên và Công ty CP Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương. Đây là 2 công ty vừa bị xử phạt vì khai thác vượt công suất cho phép.

11-2-.jpg

Nghệ An đang tăng cường quản lý công suất khai thác tại các mỏ khoáng sản

Cũng theo lãnh đạo huyện Thanh Chương, những năm gần đây, trung bình mỗi năm địa phương xử phạt hơn 1 tỷ đồng những vi phạm này. Tuy nhiên, về việc khai thác vượt công suất, ông Thanh cho biết, rất khó giám sát. “Việc khai thác trái phép hay khai thác ngoài khu vực mỏ thì phát hiện được nhưng kiểm soát khối lượng thì rất khó” - Ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết thêm, khi tỉnh xử phạt và đình chỉ khai thác, doanh nghiệp có làm văn bản kiến nghị xin lùi thời hạn đình chỉ vì đang rất cần cát để phục vụ các dự án lớn. Tuy nhiên, quan điểm của chính quyền là phải tuân thủ quy định, sai thì xử lý. Hiện, các doanh nghiệp bị đình chỉ đều tuân thủ đầy đủ các quyết định xử phạt và đình chỉ của đoàn kiểm tra.

Theo Phòng TN&MT huyện Nam Đàn, để kiểm soát được tình trạng khai thác vượt công suất, rất cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy. Trong khi đó, thông tin từ Phòng TN&MT huyện Đô Lương cho biết, trên thực tế, một số doanh nghiệp có lắp camera và bố trí cân trọng tải, tuy nhiên, chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra. “Khi đoàn kiểm tra về, họ lại tắt camera, nhiều xe không đi qua trạm cân, vì thế, rất khó giám sát. Để giám sát được, lắp camera và cân trọng tải thôi chưa đủ, mà còn phải kết nối hệ thống camera đó với phía công an và Chi cục Thuế. Tuy nhiên, giải pháp này đến nay chưa được triển khai”.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương xác định rõ nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước…

Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý dứt điểm việc thực hiện lắp đặt camera, trạm cân của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh bến, bãi tập kết khoáng sản cát, sỏi; nghiên cứu quy định về việc kết nối dữ liệu camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu của các đơn vị khai thác với cơ quan Thuế, cơ quan quản lý tài nguyên để giám sát sản lượng khai thác tại mỏ. Kiểm soát chặt chẽ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ để ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa khoáng sản trái phép, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản chưa được cấp phép.

Có quy chế phối hợp giữa cơ quan Thuế với ngành Công an, Cục Quản lý thị trường để xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản; theo dõi, rà soát việc khắc phục và chấp hành quy định pháp luật sau thanh tra, kiểm tra. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoáng sản, doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An quản lý tài nguyên khoáng sản: Siết chặt khai thác vượt công suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO