Theo đó, ngày 20/9/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 1235/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư “Dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn”. Chủ đầu tư của dự án được giao cho UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án này là xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4, thị trấn Mường Xén xảy ra trong các đợt mưa lũ vài năm qua nhằm đảm bảo an toàn kịp thời cho các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở; đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện lưu thông trên quốc lộ 7.
Dự án sẽ tiến hành đào nhà mái taluy dương cơ bản đến hết các vết nứt, phạm vi chiều dài 130m dọc theo tuyến quốc lộ 7. Chiều cao đỉnh mái ta luy trung bình khoảng 90m so với cao độ mặt bằng đường, độ dốc ngã máy tùy thuộc vào địa chất và hiện trạng sạt lở. Xây tường chắn bằng rọ đá dưới chân taluy để ngăn một phần đất đá rời rạc lăn xuống. Chiều dài đoạn xếp rọ đá khoảng 46m, chiều cao trung bình khoảng 4m. Tăng cường khả năng chịu lực của tường chắn rọ đá bằng hệ cọc thép hình 1400 ngàm vào đất bằng khoan tạo lỗ và nhồi móng bê tông.
Những vị trí xuất hiện địa chất yếu, đất đá rời rạc, mức độ sạt lở lớn thì mái taluy được gia cố bằng phun vữa bê tông xi măng, liên kết với hệ khung bê tông cốt thép và được neo giữ vào đất bằng các thanh neo thép D25 ngàm sát vào mái đất 2m. Bố trí hệ thống rãnh gom nước, bậc thoát nước từ mái dốc xuống vị trí thoát nước phù hợp.
Theo quyết định này thì tổng mức đầu tư của dự án là 48 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng (từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 là 30 tỷ đồng và 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khắc phục bão lụt); ngân sách tỉnh Nghệ An là 12 tỷ đồng và huyện Kỳ Sơn là 1 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018, Báo TN&MT đã có nhiều bài phản ánh về hiện tượng nứt nẻ kéo dài hàng trăm mét rồi sau đó sạt lở núi khiến hàng trăm khối đất đá trôi xuống đánh sập nhiều ngôi nhà tại khối 4, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). Sau nhiều lần sạt lở đã có hơn 10 hộ dân sống dưới chân núi bị sập nhà cửa, phải di dời và trở thành “vô gia cư” từ đó đến nay.