Từ ngã ba Phú Phương xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, khi hỏi về tình trạng khai thác cát tại khu vực biên giới xã Hạnh Dịch, ai cũng biết. Từ QL 48, đi khoảng gần 10km là đến “đại công trường” khai thác, tập kết cát trái phép tại bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch.
Dọc đường, phóng viên phát hiện rất nhiều bãi tập kết cát lớn, án ngữ khuất cả tầm nhìn người điều khiển phương tiện giao thông dọc tuyến đường Tiền Phong – Hạnh Dịch. Các phương tiện vận tải nối đuôi nhau chở cát từ khu vực vành đai biên giới ra phía ngoài tập kết.
Bãi tập kết cát của DN Quý Thơ nhìn từ xa |
Phía dưới ta luy âm của con đường nối Tiền Phong – Hạnh Dịch là dòng sông Nậm Việc đục ngầu, bị đào bới nham nhở. Người dân bản địa cho biết, trước kia, dòng Nậm Việc luôn trong sạch, nhiều cá. Tuy nhiên, khi các phương tiện nạo hút cát diễn ra, Nậm Việc có nguy cơ trở thành “sông chết”.
“Khi doanh nghiệp đưa phương tiện máy móc vào đây khai thác cát ở lòng sông Nậm Việc, người dân chúng tôi đã phản đối. Chẳng hiểu sao, các cấp chính quyền lại cho phép họ làm khiến dòng sông không còn thơ mộng như xưa nữa. Sông đã bị thay đổi dòng chảy, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân” – một người dân ở bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch cho biết.
Bãi cát “khổng lồ” nằm ngay sát đường Tiền Phong – Hạnh Dịch |
Cũng theo chỉ dẫn của người dân địa phương, phóng viên không khó để tiếp cận công trường tập kết, khai thác cát tại bản Pỏm Om. Tại đây, hiện đang tồn tại 2 núi cát ước tính có khoảng hàng nghìn m3 cát tràn ra cả tuyến đường giao thông nông thôn. Chưa kể, tuyến đường liên xã từ Tiền Phong đến Hạch Dịch với gần 10 bãi tập kết có khối lượng hàng nghìn m3 cát xây dựng rải rác.
Theo người dân ở đây cho biết, từ tháng 11, doanh nghiệp Quý Thơ có địa chỉ tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong đã đưa rất nhiều phương tiện, máy móc vào để “moi ruột” sông Nậm Việc.
Xe của DN Quý Thơ vô tư vào lấy cát tại bến tập kết |
Ông Lương Tiến Lê – Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, vị lãnh đạo địa phương này cho biết doanh nghiệp Quý Thơ chưa hề có bất kỳ giấy tờ liên quan nào cho phép vào khai thác, tập kết cát tại bản Pỏm Om.
“Khi chủ tịch UBND huyện nói là tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào khai thác cát để phục vụ xây dựng tại đền Chín Gian, xã đã cử cán bộ xuống sông Nậm Việc để cho họ làm. Đến nay, xã cũng chưa nhận được văn bản nào khẳng định đồng ý cho doanh nghiệp vào khai thác cát trên sông Nậm Việc cả” – ông Lương Tiến Lê cho biết thêm.
Như vậy, với cách làm việc bằng miệng của Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, doanh nghiệp Quý Thơ đã vô tư vào khai thác cát trên sông Nậm Việc mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Khai thác cát trái phép giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng không bị xử lý |
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, từ thời điểm tháng 11 đến đầu tháng 12, doanh nghiệp Quý Thơ liên tục đưa máy móc, phương tiện vào nạo hút sông Nậm Việc giữa “thanh thiên bạch nhật”. Khi phóng viên có mặt tại hiện trường ngày 5/12 thì chỉ còn lại 1 máy múc để chuyển cát lên xe tải vận chuyển ra ngoài khu vực biên giới. Người dân ở đây cho biết, trước đó 1 ngày (4/12) doanh nghiệp Quý Thơ đã cho rút máy hút cát ra ngoài.
Cũng trong ngày 5/12, trực tiếp làm việc với thượng tá Trần Quang Trung – Đồn trưởng Đồn biên phòng Hạnh Dịch thì được trả lời là việc doanh nghiệp vào khai thác cát thời gian qua tại bản Pỏm Om cũng chưa có văn bản của cơ quan chức năng cho phép. Đồn trưởng Đồn biên phòng Hạnh Dịch khẳng định là đơn vị cũng chỉ nhận được chỉ đạo bằng miệng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào khai thác cát tại khu vực địa giới hành chính mình quản lý.
Còn ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thì cho rằng, dự án cải tạo, xây dựng đền Chín Gian trên địa bàn là do nguồn vốn vận động xã hội hoá thực hiện. Vì thế nên huyện mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phép vào khai thác cát để phục vụ công trình.
Như vậy, với mác “xã hội hoá” xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đền Chín Gian, doanh nghiệp Quý Thơ đã mặc nhiên được phép vào khai thác, nạo vét cát trên sông Nậm Việc trong suốt thời gian qua. Mặt khác, nguồn cát được đưa đi đâu, khối lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng không có cơ quan nào được giao giám sát?
Điều này cũng đồng nghĩa với nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia bị nạo hút một cách vô tội vạ. Liệu ai có thể chịu trách nhiệm đối với hậu quả mà thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào do tình trạng khai thác cát trên sông Nậm Việc?
Đề nghị Sở TN&MT, UBND tỉnh Nghệ An cần sớm vào cuộc làm rõ tình trạng khai thác cát trái phép của doanh nghiệp Quý Thơ để ngăn chặn kịp thời; đồng thời cần quy rõ trách nhiệm của UBND xã Hạnh Dịch cũng như UBND huyện Quế Phong khi để xảy ra sự việc nói trên!
Phạm Tuân – Ngọc Đức