Có thể nói Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã tạo ra bước đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản; đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.
Tại Nghệ An, việc thực hiện Nghị định 67/2014 và Nghị định 17/2018 của Chính phủ về hỗ trợ cho vay đóng mới tàu cá vươn khơi đã tạo bước đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản. Đến nay, số tàu đóng mới theo Nghị định 67 có 104 tàu, với tổng công suất máy chính theo thiết kế trên 83.800 CV. Nhờ có đội tàu khai thác xa bờ tăng đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác hải sản.
Nợ quá hạn tàu cá vay theo Nghị định 67 ở Nghệ An là rất cao |
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, chính sách hỗ trợ đầu tư. Tính đến thời điểm 28/02/2021, trên địa bàn Nghệ An đã triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đối với 104 chủ tàu, với tổng số tiền đã giải ngân là 860 tỷ đồng. Trong tổng số 104 tàu được ngân hàng tài trợ cho vay vốn có 03 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay; 101 chủ tàu còn dư nợ tại ngân hàng với tổng dư nợ 660,4 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 121,74 tỷ động; nợ lãi tiền vay 27,82 tỷ đồng.
Trước việc, một số chủ tàu cố tình chây ỳ trong trả nợ, lãnh đạo các địa phương cho rằng: Việc khởi kiện các chủ tàu vay vốn đóng tàu thực hiện chưa đúng cam kết trả nợ theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ là giải pháp cần thiết và đúng quy định của các ngân hàng thương mại; tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cần xem xét một cách thận trọng nguyên nhân nợ đọng, cũng như tạo điều kiện để tàu cá ra khơi tạo thu nhập và nguồn trả nợ của chủ tàu...