Nghệ An: Nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ

Đình Tiệp - Thành Vinh| 29/09/2022 21:05

Trong ngày 29/9, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã phân công đi chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu của cơn bão số 4 gây ra. Theo đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tập trung lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả, tập trung cao độ với phương án bốn tại chỗ để giảm thiệt thiệt hại cho người dân nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài.

Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Quỳnh Lưu, tính đến 10 giờ ngày 29/9/2022, mưa lũ khiến nước dâng cao đã tràn vào nhà 5.559 hộ ở các xã: Quỳnh Lâm, Quỳnh Yên, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hồng, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Thọ… 8 hộ dân tại xã Quỳnh Tam, Quỳnh Nghĩa phải di dời; 701 hộ tại xã Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn, Tân Thắng bị nước cô lập; 3 nhà dân tại xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Tam bị tốc mái.

Trên địa bàn bị sạt lở bờ đê sông, hồ đập với tổng chiều dài 220 m tại xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tam, trong đó đập Hóc Cối xã Quỳnh Tam bị sạt lở 20 m. Huyện đã huy động trên 150 người gồm cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 16, bà con Giáo xứ Phú Xuân, Công an, quân sự xã, nhân dân... tích cực gia cố ngay trong đêm và đã hoàn thành.

2(1).jpg
Nhiều nơi ở huyện Quỳnh Lưu bị ngập nặng (Ảnh: M.T.Q.L).

Lụt cũng làm thiệt hại 22 ha lúa mùa ở xã Quỳnh Châu, Tân Sơn, Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn; 1.333 ha ngô, rau màu các loại ở các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Tân, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Văn, Diễn, Quỳnh Giang, Quỳnh Thanh… bị ngập.

Có 950 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó 106 ha nuôi tôm bị thiệt hại; 5.978 gia súc, gia cầm bị chết; 4.255 tấn muối trong kho của bà con diêm dân bị ngập. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 99/101 hồ đập đầy nước chảy tràn.

Tại huyện Thanh Chương, theo báo cáo nhanh của UBND huyện này, đến chiều 29/9, trên địa bàn huyện có 1 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ (cả tỉnh là 3 người chết và mất tích, trong đó có 1 trường hợp bị lũ cuốn ở huyện Nghi Lộc). Toàn huyện có 776 nhà bị ngập, 3 điểm trường ở các xã Thanh Ngọc và Thanh Nho ngập sâu, 8 nhà dân phải sạt lở, 1 nhà bị đổ sập, gần 2.114 m mét bờ rào của nhà dân và cơ quan, đơn vị bị sập, hơn 7.004 m đường bê tông và 800 mét kênh mương bị ngập, sạt lở; 234,5 ha ngô và rau màu bị ngập, 33 ha cây công nghiệp bị thiệt hại, 384 ha ao cá bị trôi, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...

3.jpg
Nhiều tuyến đê, kè, đập bị hư hỏng.

Trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện có 23 xóm bị cô lập (Phong Thịnh: 02; Thanh Nho: 01; Hạnh Lâm: 04; Thanh Mỹ: 03; Thanh Long: 01; Thanh Hà: 05; Thanh Tùng: 02; Thanh Mai: 01; Thanh Lâm: 03; Thanh Phong: 01). Đê phòng lũ đoạn qua nhà máy may, xã Thanh Liên bị tràn.

Tại huyện Hưng Nguyên, tính đến 10h sáng 29/9, mưa lũ đã khiến cho gần 280 hộ thuộc 15 xóm bị ngập lụt. Trong đó, Hưng Yên Bắc (4 xóm); Hưng Trung (6 xóm); Hưng Đạo (2 xóm); Hưng Yên Nam (3 xóm). Một số xóm ngập sâu như: xóm 5 xã Hưng Bắc; xóm Bùi Thượng, 9A, 9B, xóm 8, xã Hưng Trung.

Tại huyện Tân Kỳ, trên Quốc lộ 48E, đoạn giáp ranh giữa xã Nghĩa Hoàn và Tân Long xảy ra hiện tượng sạt lở núi chẵn ngang đường. Sau khi khảo sát thực trạng tại điểm sạt lở đá nghiêm trọng nói trên, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An chưa đưa ra giải pháp xử lý những khối đá lớn chắn ngang Quốc lộ 48E, mà chờ ý kiến chỉ đạo xử lý của Tổng cục đường bộ.

5.jpg
Sạt lở  khối lượng đất đá lớn chẵn ngang QL 48E, đoạn qua huyện Tân Kỳ (Ảnh: CTV).

Để đảm bảo an toàn cho người dân, Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An đã chỉ đạo địa phương lập rào chắn, cử lực lượng trực 24/24h, tuyệt đối không cho các phương tiện tham gia giao thông qua lại khu vực sạt lở. Đồng thời thống nhất với phương án đề xuất của huyện Tân Kỳ, di dời ngay người và tài sản đối với những hộ dân sinh sống gần khu vực sạt lở.

Có 5 hộ dân của xóm Tân Long, xã Tân Long bị sạt lở nên UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo xã Tân Long di dời khẩn cấp người và tài sản đối với 5 hộ dân đến nơi ở an toàn. Giao chính quyền 2 xã Tân Long và Nghĩa Hoàn lập sào chắn 2 bên điểm sạt lở, bố trí lực lượng túc trực 24/24h, phân luồng, hướng dẫn người dân lưu thông tránh điểm sạt lở một cách an toàn.

Tập trung chỉ đạo khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng 29/9, trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ đã yêu cầu các địa phương tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ động chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là những tháng cao điểm mưa lũ tại địa phương.

Cùng với đó rà soát các khu vực có có nguy cơ sạt lở, có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt cục bộ để kịp thời di chuyển người dân đến nơi an toàn, bảo vệ tối đa tính mạng, tài sản cho người dân. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các nhà máy thủy điện, không để xảy ra tình trạng xả lũ bất thường gây ngập lụt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong thời điểm mưa lũ, ngập úng không đi bắt cá, vớt củi trên ao hồ, sông suối.

a-1.jpg
Ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hàng Mai (Ảnh: B.N.A).

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tại một số địa phương trong tỉnh đã xảy ra ngập lớn. Do trong tháng 9, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các đợt mưa, 70% số hồ chứa nước tại địa phương trong tình trạng đầy nước, nên dù mưa chưa lớn nhưng buộc phải xả lũ. Đơn cử như hồ Vực Mấu (nằm trên địa bàn thị xã Hoàng Mai) đêm 28/9 đã phải xả lũ khẩn cấp…

Tại Nghệ An, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được lãnh đạo tỉnh này chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phải thực hiện các giải pháp để tiêu nước, thoát lũ ra biển, như Bến Thủy, Diễn Thành, Nghi Quang. Cùng với đó, Sở tập trung chỉ đạo để kiểm tra an toàn hồ đập để xử lý ngay từ đầu khi có mưa lớn, việc xử lý phải đúng theo quy trình vận hành hồ đập...

1(3).jpg
Kiểm tra hồ đập thuỷ lợi.

Trong chiều ngày 29/9, ông Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công tác ứng trực, vận hành tại đập Cầu Cau; công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở các xã Ngọc Lâm, Thanh Lâm, Thanh Mỹ và một số địa bàn xung yếu...

Đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực tế công tác ứng trực, vận hành tại đập Cầu Cau; công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở các xã Ngọc Lâm, Thanh Lâm, Thanh Mỹ và một số địa bàn xung yếu. Đoàn yêu cầu các cấp, ngành ở Thanh Chương tiếp tục bám nắm địa bàn, kịp thời triển khai các phương án ứng trực, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Huyện cần phát huy cao nhất các phương án tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ.

4(1).jpg
Mang nhu yếu phẩm đến hỗ trợ người dân Quỳnh Lưu bị ngập lụt (Ảnh: Mặt trận Quỳnh Lưu).

Chiều cùng ngày, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng đoàn công tác của tỉnh cũng đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục do đợt mưa lớn ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây ra trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mưa lớn gây ngập lụt diện rộng. Nhiều trường học buộc phải cho nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Theo thống kê, toàn tỉnh có 300 trường học thuộc 13/21 huyện, thị xã cho học sinh nghỉ học, trong đó hai huyện học sinh nghỉ học hoàn toàn là Quỳnh Lưu và Tân Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO