Nghệ An: Nhiều địa phương đấu giá đất ở khi chưa làm xong hạ tầng

Đình Tiệp| 15/12/2019 08:53

(TN&MT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều địa phương tiến hành đấu giá đất ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Việc làm trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của khách hàng cũng như làm giảm giá trị các lô đất.

Nhiều địa phương “bán lúa non”

Đấu giá đất ở khi chưa hoàn thành hạ tầng là việc làm trái với Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 2/3/2018 UBND tỉnh Nghệ An quy định “Về quyền đấu giá sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Tuy nhiên, không hiểu vì sao nhiều địa phương vẫn bất chấp quy định nói trên khi triển khai thực hiện đấu giá đất ở, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của khách hàng cũng như giá trị các lô đất đấu giá.

Điển hình, tại khu đất 9 ha ở phía Bắc cầu vượt đường 72 m (khối 9, phường Quán Bàu, TP Vinh) đã được đấu giá tại thời điểm khi chưa thực hiện xây dựng xong hạ tầng (thời điểm năm 2016, 2017).

Đến nay, sau nhiều năm, một số gia đình mua đất tại đây đã làm nhà ở, song một số gia đình khác dù đã mua đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại chưa thể làm nhà hay mua bán, chuyển nhượng do khu đất đang vướng mặt bằng, không có đường vào.

Nhiều địa phương chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn tiến hành mở bán đất ở

Nhà thầu thi công dự án cũng đang bỏ dở nhiều hạng mục chưa thể thi công tiếp, vì không giải phóng được mặt bằng. Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng đấu giá đất ở khi chưa hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng theo phê duyệt xảy ra khá nhiều trên địa bàn TP Vinh.

Không riêng gì tại địa bàn TP Vinh, ở các địa phương khác trong tỉnh Nghệ An cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Điển hình là dự án xây dựng hạ tầng phân lô đấu giá đất ở tại khối 1, thị trấn Yên Thành đã hoàn thành đấu giá 15 lô đất ở cách đây hơn 2 tháng, thu về số tiền hơn 23 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện trạng khu đất đấu giá vẫn đang ngổn ngang nhiều hạng mục xây dựng chưa hoàn thành.

Qua trao đổi, ông Phan Doãn Hữu, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành) cho biết, dự án xây dựng hạ tầng chưa hoàn thành, chưa nghiệm thu bàn giao, đáng ra phải làm xong hạ tầng mới đấu giá, đây lại vừa làm vừa đấu giá là sai.

Một góc khu chia lô đất ở tại phường Quán Bàu - TP Vinh

Tương tự, dự án phân lô đấu giá đất ở tại khối Tân Đức, thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nam Đàn) dự kiến đấu giá 142 lô đất ở. Ngày 19/11 vừa qua, thị trấn Nghĩa Đàn đã tổ chức đấu giá hoàn thành 71 lô đất ở, các lô đất còn lại sẽ được tổ chức đấu giá lần tiếp theo.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là trước khi tổ chức đấu giá thì công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án (đường, mương thoát nước, hệ thống điện) chưa được chủ đầu tư hoàn thành.

Qua tìm hiểu được biết, dự án có mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng; nhà thầu thi công hệ thống đường bao quanh khu đất ở là Công ty TNHH TMDV Trực Thành. Đại diện đơn vị này cho hay, dự án có nhiều gói thầu khác nhau (gói làm đường, gói làm mương, gói làm điện), Công ty TNHH TMDV Trực Thành chỉ làm đường bao quanh khu đất.

Trái quy định vẫn làm

Tại Điều 6, Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 2/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An quy định về “Điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất”, như sau: Thứ nhất, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (đấu giá quyền sử dụng đất toàn bộ khu đất) phải đáp ứng các điều kiện: Đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp có thẩm quyền đã được phê duyệt; có bản vẽ chỉ giới đường đỏ và văn bản thông tin hạ tầng kỹ thuật; văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất.

Đối với lô (thửa) đất (khu đất) được quy hoạch xây dựng với chức năng hỗn hợp thì phải có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500; đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó thuộc sở hữu Nhà nước; có phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Khu chia lô đất ở tại Khối 9, phường Quán Bàu (TP Vinh) chưa có đường nước nên người dân phải đục ngang đường để tự kéo nước về dùng

Hai là, đối với đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, nông thôn: Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đã hoàn thành xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật; có quy hoạch chi tiết liên quan đến khu đất, lô (thửa) đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; có phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, chiếu theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An quy định về điều kiện tổ chức đấu giá đất ở trên địa bàn Nghệ An thì các địa phương nói trên tổ chức đấu giá đất ở khi chưa hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được phê duyệt đầu tư là hoàn toàn trái quy định.

Hạ tầng kỹ thuật như điện, nước...chưa được đầu tư hoàn thiện ở nhiều dự án chia lô đất ở đã gây khó khăn cho người mua cũng như thất thoát ngân sách do giá trị lô đất bị giảm đi so với giá trị nếu đã hoàn thiện hạ tầng

Qua tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư các dự án đều thừa nhận có biết quy định của UBND tỉnh về các điều kiện hoàn thành hạ tầng kỹ thuật trước khi tổ chức đấu giá đất ở.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thi công hạ tầng thường chậm hơn so với tiến độ đề ra, do đó các địa phương đã tổ chức đấu giá đất trước, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng sau. Dù biết là sai, song gần như các chủ đầu tư dự án, các cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện, thành, thị chưa thực sự quan tâm, yêu cầu khắc phục hoặc có biện pháp xử lý.

Có thể nói, việc đấu giá đất ở khi chưa hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã khiến cho nhiều người dân chịu thiệt thòi khi tiến hành xây dựng nhà cửa; nhất là việc đấu nối các hạng mục như điện, nước sinh hoạt và nhiều vấn đề liên quan khác.

Tỉnh Nghệ An cần sớm "siết chặt" lại công tác quản lý điều kiện đấu giá đất ở theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An

Ngoài ra, với tình trạng dang dở, ngổn ngang của hệ thống hạ tầng nhưng đã bán chẳng khác nào hình thức “bán lúa non”, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị các lô đất được tổ chức đấu giá, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách.

Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần phải có biện pháp chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt lại công tác đấu giá đất ở, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; tránh thất thu ngân sách cũng như thiệt thòi cho khách hàng “lỡ” mua đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nhiều địa phương đấu giá đất ở khi chưa làm xong hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO