Nghệ An: Người dân bất an vì... trạm BTS

27/02/2015 00:00

(TN&MT) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.670 trạm BTS, được bố trí lắp đặt tại 1.862 điểm trạm khác nhau.

   
(TN&MT) - Việc lắp đặt nhiều trạm thu, phát sóng di động (gọi tắt là trạm BTS) ở đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng chưa có giấy phép xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, gây bất an, lo lắng cho người dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão...
   
Hai trạm phát sóng BTS trên nóc trụ sở UBND phường Hưng Bình – TP Vinh
   
  Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.670 trạm BTS, được bố trí lắp đặt tại 1.862 điểm trạm khác nhau (trên 1 cột ăng ten có thể có nhiều trạm thu, phát sóng viễn thông – P.V). Trong đó, mạng Viettell có 784 điểm trạm BTS; Viễn thông Nghệ An (Vinaphone) có gần 500 điểm trạm; mạng Mobiphone có 437 điểm trạm và mạng Vietnammobi có 141 điểm trạm. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nên đến nay, chỉ có khoảng 150 điểm trạm có giấy phép xây dựng, số còn lại là những điểm trạm không phép. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống trạm viễn thông di động ở tỉnh Nghệ An.
   
  Vì sao các trạm BTS không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn tiếp tục tồn tại? Vấn đề này được cơ quan chức năng lý giải: Vào thời kỳ đầu, mạng viễn thông di động phát triển còn ít, chưa có văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện quy trình xin cấp giấy phép xây dựng. Các nhà mạng tự do tìm kiếm, thỏa thuận, thuê đất tại khuôn viên UBND các phường, xã hoặc hộ gia đình để lắp đặt cột ăng ten, điều này đem lại lợi ích cho cả hai bên. Phía nhà mạng có nơi lắp đặt trạm và được bảo vệ an toàn hơn, còn phía các địa phương thì được dẫn mạng cáp quang về tận trung tâm xã, có máy phát điện… Nghĩa là, các trạm BTS ra đời khi chưa có văn bản hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng của các cơ quan chức năng.
   
  Bắt đầu từ tháng 12/2007, Thông tư số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT ra đời, hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy phép xây dựng cho việc xây dựng, lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động. Thông tư quy định: “Việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS trong mọi trường hợp phải đảm bảo an toàn cho công trình, công trình lân cận; đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ cho cộng đồng; đảm bảo tuân thủ quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đô thị”.
   
  Từ khi có Thông tư hướng dẫn trên, các cơ quan chức năng ở Nghệ An đã vào cuộc, thúc giục các nhà mạng hoàn thành hồ sơ để được cấp giấy phép xây dựng, song hiệu quả chưa cao. Cho đến nay, số trạm BTS được cấp giấy phép xây dựng rất ít ỏi (150 trạm) so với gần 2.000 điểm trạm hiện có.
   
  Qua quan sát thực tế cho thấy, trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận hiện đang có hàng trăm cột ăng ten thu, phát sóng đi động được lắp đặt trực tiếp trên nóc nhà của các cơ quan, đơn vị và nhà ở của người dân (đây là trạm BTS loại 2 - Quy định tại Thông tư 12/2007). Việc lắp đặt hệ thống các cột ăng ten này không có quy hoạch cụ thể, không có giấy phép xây dựng, gây bất an cho người dân, đặc biệt là những hộ sinh sống ở khu vực lân cận.
   
  Ông Đặng Quang Trực, Phó phòng mạng Dịch vụ Viễn thông Nghệ An, cho biết: Trước khi lắp đặt các trạm BTS trên nóc nhà, chúng tôi phải thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về khảo sát, tính toán sức chịu lực của ngôi nhà, khi lắp đặt xong, trạm phải chịu được sức gió cấp 15. Hàng năm, trước mùa mưa bão, chúng tôi sẽ đồng loạt kiểm tra để gia cố, tăng thêm khóa đầu dây cho các trạm BTS, đảm bảo cho cột ăng ten trụ vững. Về thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng cho các trạm BTS hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc nên tiến độ rất chậm.
   
  Để hoàn thành hồ sơ, Sở Xây dựng Nghệ An yêu cầu, tại các điểm lắp đặt trạm BTS phải có ý kiến đồng ý của người dân bằng văn bản. Thật ra, để làm được điều này rất khó, vì đa số người dân không đồng ý ký vào biên bản. Họ lập luận rằng, chỉ gia đình được thuê địa điểm lắp đặt trạm mới được trả tiền, nhưng lỡ có sự cố cột ăng ten gãy đổ thì họ phải chịu, đó là chưa kể đến sóng điện tử có thể gây nguy hại đến sức khỏe của họ. Đối với các trạm BTS hiện đang lắp đặt tại UBND các phường, xã cũng rất khó làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Bởi vì, theo quy định, UBND các địa phương không được phép cho thuê mặt bằng kinh doanh để thu phí… Vì vậy, để di chuyển khoảng 300 điểm trạm ra khỏi khuôn viên UBND các xã, phường hiện nay sẽ tiêu tốn một khoản kinh phí không hề nhỏ.
   
  Có thể khẳng định rằng, những năm vừa qua, hệ thống trạm BTS trên địa bàn Nghệ An đã và đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều cơ quan, đơn vị và người dân, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống các trạm BTS tuân thủ quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị, quy hoạch phát triển mạng viễn thông của tỉnh, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của người dân, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường phối hợp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trạm BTS. 
   
Đ. Tiệp – N. Đức
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Người dân bất an vì... trạm BTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO